Phát triển văn hóa đọc trong gia đình
Không lấp đầy mùa hè bằng những lớp học thêm hay giao phó con với thiết bị máy tính, ti vi ở nhà, nhiều phụ huynh đã hướng các con có thêm nhiều niềm vui, thư giãn qua những trang sách.

Không gian đọc sách tại thư viện trong mùa hè.
Tranh thủ hoàn thành việc nhà, 8 giờ tối hàng ngày chị Tạ Thị Hải (phường Bình Thuận) lại cùng con ngồi đọc sách. Là cán bộ thư viện, có cơ hội tiếp xúc với sách mỗi ngày nên ngay từ nhỏ chị đã cho con “tắm” trong nguồn sách. Khi thì dẫn lên trực tiếp phòng thiếu nhi, khi lại mượn về những cuốn truyện tranh. Mẹ đọc con nghe, rồi con đọc cho mẹ nghe và cùng thảo luận. Cứ thế con lớn lên theo những trang sách cùng tình yêu của mẹ. Đến nay, con trai Trí Anh của chị đã học lớp 8, là một trong những học sinh xuất sắc và người dẫn truyện của khối tại Trường THCS Hùng Vương.

Thiếu nhi đến tìm sách tại thư viện.
Chị Hải chia sẻ: “Ở từng độ tuổi, giai đoạn khác nhau con sẽ có những thay đổi nhất định về nhận thức, tư duy, hành động, mỗi ngày con được học thêm kiến thức mới về vốn từ ngữ, vạn vật xung quanh. Vì thế, việc đọc sách cùng con không chỉ đơn giản hình thành cho con một thói quen tốt, nâng cao kiến thức mà còn có sự kết nối, trò chuyện của mẹ với con”.
Trong thời hiện đại, con người có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức về mọi lĩnh vực trong các thư viện điện tử, website, mạng xã hội... thậm chí nhiều người vẫn quen với câu “xin hỏi chị Google”, một cách nhanh chóng, dễ dàng. Họ không biết trường học có thư viện không, thư viện tỉnh nằm ở đâu và nếu đến nhà sách cũng chỉ quan tâm khu vực đồ dùng học tập, sách giáo khoa.

Rèn cho con thói quen đọc sách sau các giờ học.
Thực tế, duy trì thói quen đọc sách cùng con không phải gia đình nào cũng làm được. Với vô vàn lý do đưa ra: vì không có thời gian, các con không chịu ngồi yên và tập trung, khi đã biết chữ thì con tự đọc được, điều kiện kinh tế không thể mua sách truyện cho con… Nhưng ngay cả khi kinh tế dư dả, sắm sửa vô số trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền mà có mấy gia đình quan tâm dành một góc riêng đặt tủ sách, phòng sách. Không ai khác, cha mẹ chính là “người dẫn đường” quan trọng nhất để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Để trẻ yêu sách, trước tiên cha mẹ phải là tấm gương yêu sách.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – một cây viết nổi tiếng của lứa tuổi thiếu nhi với các tập truyện như: Mắt biếc, Cho tôi xin một vé tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mùa hè không tên… đã nhiều lần chia sẻ, thói quen đọc sách được hình thành từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ.
Không phải ai đọc sách cũng thành công, nhưng có một sự thật là những người thành công thường đọc rất nhiều sách. Bởi mỗi cuốn sách đều chứa đựng kiến thức bổ ích, những giá trị nội dung nhân văn cao quý, những bài học ý nghĩa. Sách chính là một thế giới thu nhỏ, nó dành cho những ai biết chiếm lĩnh lấy nó. Và với trẻ con có một sự sáng tạo vô cùng lớn mà nhiều khi chính bản thân người lớn không nghĩ ra. Một trong những điều thú vị của việc đọc sách là bé được thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng độc đáo đó.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng vẫn xác định nội dung phát triển văn hóa đọc trong gia đình là nội dung quan trọng được quan tâm thực hiện. Gia đình là tế bào của xã hội, bởi vậy việc phát triển văn hóa đọc trong từng gia đình sẽ góp phần hình thành và phát triển bền vững văn hóa đọc trong cộng đồng, tiến tới xây dựng bền vững xã hội học tập.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-gia-dinh-381390.html