Phi công Mỹ không dám bay gần Crimea sau vụ UAV rơi?

Phi công Mỹ được cho là nhận lệnh không bay quá gần bán đảo Crimea của Nga, theo tài liệu rò rỉ từ Lầu Năm Góc.

Mỹ lo ngại Nga tấn công gần Crimea, lệnh phi công tránh xa.

Mỹ lo ngại Nga tấn công gần Crimea, lệnh phi công tránh xa.

Washington Post hôm 9/4 tiết lộ tài liệu mật rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đã chỉ thị cho quân đội bay máy bay do thám xa khỏi bán đảo Crimea, Nga.

Khoảng cách được yêu cầu là xa hơn mức cần thiết của luật pháp quốc tế. Cụ thể, tài liệu là bản đồ một khu vực mà các máy bay do thám của Mỹ có thể bay tới.

Khu vực được đánh dấu một ranh giới khoảng 12 dặm (19,3 km) ngoài khơi bờ biển Crimea, phạm vi lãnh hải của Nga, và một đường thứ hai cách bờ khoảng 50 dặm (80,4 km) được đánh dấu là "SECDEF Direct Standoff".

Cụm từ này chỉ ra rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin “có thể đã ra lệnh cho các phi công Mỹ giữ máy bay cách xa bán đảo hơn”, Washington Post viết.

Ngày 14/3, Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM) cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã buộc họ phải hạ máy bay không người lái giám sát MQ-9 Reaper khi đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen.

EUCOM tuyên bố rằng các máy bay Su-27 của Nga đã va vào cánh quạt của chiếc MQ-9.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay không người lái của EUCOM đã đi vào khu vực cấm do Moscow vạch ra cho hoạt động quân sự ở Ukraine. Bộ này tuyên bố rằng chiếc MQ-9 đã tự rơi sau khi “bay mất kiểm soát”.

Moscow cũng phủ nhận rằng có sự tiếp xúc vật lý giữa máy bay không người lái của EUCOM và các máy bay được phía Nga điều động để đánh chặn nó.

Trong số tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc cho thấy, phía Nga và NATO từng suýt xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện hồi tháng 9/2022. Máy bay của Nga được cho là suýt bắn hạ một máy bay giám sát RC-135 của Anh.

Máy bay trinh sát RC-135 được sử dụng để thu thập các đường truyền vô tuyến và tin nhắn điện tử. Vương quốc Anh cho biết vào tháng 10/2022, rằng chiếc máy bay đã bị chặn bởi hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga trên Biển Đen, với một trong số chúng đã "thả tên lửa" gần máy bay.

Theo Washington Post, vụ việc có thể kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO, có thể dẫn đến việc các lực lượng NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine hoặc thậm chí là xung đột trực tiếp giữa Moscow và khối quân sự này.

Song, theo báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace trước Nghị viện vào tháng 10/2022, phía Nga đã nói rằng sự cố là do trục trặc kỹ thuật và phía London đã chấp thuận lời giải thích này.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ.

Washington Post cho rằng, phía Mỹ đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các nhiệm vụ trinh sát ở khu vực Biển Đen, chỉ thị cho Lực lượng Không quân tránh xa Bán đảo Crimea.

Không giống như Pháp và Anh triển khai các chuyến bay giám sát có người lái trên Biển Đen, Mỹ đã dựa vào máy bay không người lái, bao gồm RQ-4 Global Hawk, RQ-170 Sentinel và MQ-9 Reaper. Các chuyến bay không người lái của Mỹ được tiến hành hàng tháng.

Vào tháng 3 năm nay, Lầu Năm Góc cáo buộc các phi công Nga bay liều lĩnh và tuyên bố một chiếc đã tác động đến cánh quạt của UAV Reaper của Mỹ khiến nó rơi xuống. Nga phủ nhận việc bắn trúng máy bay không người lái hoặc sử dụng vũ khí chống lại nó, và cho rằng, chiếc máy bay của Mỹ đang bay với bộ phát đáp bị tắt trong khu vực cấm đi lại do quân đội Nga kiểm soát.

Một đoạn video được cho là quay từ máy bay không người lái chỉ cho thấy một máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 bay lượn trên nó và được cho là đã phun nhiên liệu vào chiếc UAV. Theo CNN, Lầu Năm Góc đã tiếp tục định tuyến lại các chuyến bay không người lái giám sát của mình trên Biển Đen sau vụ việc.

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phi-cong-my-khong-dam-bay-gan-crimea-sau-vu-uav-roi-post633866.html