Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia: Chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa

Chiều 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (viết tắt Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu chính có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu một số bộ, ngành, điểm cầu của 34 tỉnh, thành phố và kết nối tới 3.321 điểm cầu các xã, phường, đặc khu trên toàn quốc.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan của tỉnh Lạng Sơn.

Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg, ngày 23/7/2025, của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Quyết định số 1585/QĐ-TTg đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, quy chế hoạt động, quy định về giải quyết công việc của Ban Chỉ đạo. Trong đó, Ban Chỉ đạo tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xảy ra 10.225 vụ tai nạn, sự cố, thiên tai. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến ngày 23/7/2025, thiên tai đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2025 đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị ảnh hưởng bởi các dạng hình thái thiên tai như: rét đậm, rét hại, mưa lớn cục bộ, lũ, giông lốc, sét, sạt lở đất, đá. Theo đó, thiên tai đã làm 1 người chết, 4 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

Trong phiên họp, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương đã báo cáo nhanh công tác PCTT&TKCN trong thời gian qua; nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Các đại biểu tại điểm cầu tại tỉnh Lạng Sơn nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp

Các đại biểu tại điểm cầu tại tỉnh Lạng Sơn nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân người bị nạn do mưa bão, lũ lụt trong những ngày vừa qua tại các địa phương trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực các trong PCTT&TKCN của các bộ, ngành trung ương, các địa phương và Nhân dân trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ về một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục trong công tác phòng thủ dân sự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Để giảm thiểu tối đa tác hại của thiên tai, sự cố trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương tập trung triển khai có hiệu quả công tác phòng thủ dân sự. Trong đó, triển khai công tác phòng thủ dân sự phải tuân thủ nguyên tắc “3 phải” (phải từ sớm từ xa; phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, hiệu quả; phải chung tay toàn diện, toàn dân).

Các bộ, ngành trung ương và các địa phương phải chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng thủ dân sự; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng thủ dân sự với mục tiêu không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng liên quan đến công tác phòng thủ dân sự; căn cứ tình hình thực tiễn, đặc điểm từng vùng, miền để tổ chức triển khai diễn tập phòng thủ dân sự; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và Nhân dân trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Các bộ, ngành trung ương và các địa phương phối hợp, nghiên cứu thành lập tổng đài thông tin liên lạc và thành lập quỹ phòng thủ dân sự; các cơ quan truyền thông, báo chí từ trung ương đến địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác phòng thủ dân sự.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: các cơ quan, bộ, ngành trung ương và các địa phương nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự để kịp thời tổ chức xây dựng, triển khai hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

Theo Luật Phòng thủ dân sự, phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp: phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…

TRÍ DŨNG - TRUNG ĐỨC

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phien-hop-thu-nhat-ban-chi-dao-phong-thu-dan-su-quoc-gia-5054081.html