'Phiên tòa giả định' về tận khu dân cư

Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình tuyên truyền 'Phiên tòa giả định' của P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã thật sự phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ. Đây cũng là hình thức tuyên truyền lần đầu tiên được diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình tuyên truyền “Phiên tòa giả định” của P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã thật sự phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ. Đây cũng là hình thức tuyên truyền lần đầu tiên được diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng.

Hầu hết những phiên tòa lưu động được TAND các cấp trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức thường thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, nhưng không phải ai cũng có thể tranh thủ thời gian theo dõi một cách cụ thể và tỉ mỉ. Xuất phát từ thực tế này, năm 2017, CAP Mỹ An đã có sáng kiến đưa những phiên tòa giả định đến tận các khu dân cư, tổ dân phố nhằm nâng cao hơn ý thức tuân thủ pháp luật và tinh thần cảnh giác phòng chống các loại tội phạm cho người dân ở trên địa bàn... Trung tá Phạm Ngọc PhươngPhó trưởng CAP Mỹ An cho biết, định kỳ hằng quý hoặc đột xuất tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, CAP Mỹ An tổng hợp, đánh giá tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thực hiện việc tham mưu đề xuất UBND phường tổ chức “Phiên tòa giả định” để tuyên truyền trong nhân dân qua đó nhắc nhở nhân dân cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm và tham gia vào công tác bảo vệ ANTT, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...

Theo Trung tá Phương, đối với nhiều người, việc tham dự các phiên tòa giả định còn khá mới mẻ, thậm chí, có người chưa hình dung được phiên tòa giả định là gì. Nhưng khi bắt đầu phiên tòa, mọi người đều bị lôi cuốn vào từng tình tiết vụ án, chăm chú theo dõi từ cáo trạng đến quá trình xét hỏi, tranh luận giữa “luật sư” và đại diện “viện kiểm sát”; việc tuyên án của “chủ tọa phiên tòa”. Ngoài ra, tại các phiên tòa giả định, “kiểm sát viên” trực tiếp tương tác với người tham gia qua hình thức hỏi- đáp tình huống pháp lý liên quan đến các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, ma túy, giao thông... Qua đó, người dự khán sôi nổi tham gia trả lời và được giải thích cụ thể một số thắc mắc, giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Những phiên tòa giả định mang tính trực quan, sinh động, tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Phiên tòa không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng; mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp họ biết được ranh giới giữa cái đúng- cái sai. Ngoài ra, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và tính “hướng thiện” trong chính sách hình sự đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử...

“Phiên tòa giả định” tại khu phố An Thượng (Mỹ An) thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.

“Phiên tòa giả định” tại khu phố An Thượng (Mỹ An) thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.

Sau khi tham dự phiên tòa giả định xét xử đối tượng về tội “Trộm cắp tài sản” do CAP Mỹ An phối hợp với Trường cao đẳng Nghề số 5 tổ chức, sinh viên Bùi Văn Tuấn nhận xét: Nội dung các “phiên tòa” không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng mà còn giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn hoạt động của “Hội đồng xét xử”, giúp các học sinh, sinh viên nhận thức rõ về tính nghiêm minh của pháp luật... để từ đó phòng ngừa những hành vi dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật.

Từ khi ra đời và đi vào hoạt động đến nay, hầu hết các phiên tòa giả định mà P. Mỹ An tổ chức tại các khu dân cư, trường học đều thu hút sự tham gia theo dõi đông đảo các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên và thậm chí là du khách. Những tình huống xây dựng tại các phiên tòa giả định đều dựa vào nội dung bản án có thật, đã được cơ quan pháp luật đưa ra xét xử. Mỗi phiên tòa thường kéo dài khoảng 60 phút, diễn ra đúng trình tự theo Bộ luật Tố tụng Hình sự; tái hiện quá trình xét xử vụ án nhằm cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử người phạm tội... Trung tá Phương cho biết: Trong phiên tòa giả định, từ “chủ tọa phiên tòa”, “Hội thẩm nhân dân”, “đại diện viện kiểm sát”, “luật sư”, “thư ký” đến “bị cáo”, “người bị hại”, “người làm chứng” đều được các CBCS CAP Mỹ An đóng vai. Các phiên tòa được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa với đầy đủ trình tự, thủ tục không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng mà còn truyền đạt thông điệp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phiên tòa cũng giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động của HĐXX, giúp người xem nhận thức rõ về tính nghiêm minh của pháp luật... Đây là nét mới, nổi bật, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn phường thời gian qua... Anh Trần Minh Tuấn (trú P. Mỹ An) cho rằng: “Qua những phiên tòa giả định mà CAP Mỹ An tổ chức tại khu dân cư, bản thân tôi có thêm những kiến thức về pháp luật cũng như phòng chống tội phạm. Vì vậy với trách nhiệm là một người dân tôi sẽ truyền đạt lại những hiểu biết về pháp luật này cho các thành viên trong gia đình. Quả thật đây là mô hình hay, giúp người dân nhanh chóng nắm rõ các quy định pháp luật, các phương thức thủ đoạn phạm tội của tội phạm... từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như kịp thời phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng...”.

Mô hình tuyên truyền bằng hình thức “Phiên tòa giả định” đã được nhân rộng ra 3 phường còn lại trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn và nhiều địa phương khác trên địa bàn Đà Nẵng, chứng tỏ mô hình được người dân tiếp nhận và coi đây là kênh thông tin hữu ích để sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực phòng chống các loại tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ vững chắc.

TRÍ DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_231063_-phien-toa-gia-dinh-ve-tan-khu-dan-cu.aspx