Philippines, Indonesia có thêm hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang nóng lên ở Philippines và Indonesia, trong khi Cộng hòa Czech chứng kiến ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 13/9, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 3.372 ca mắc COVID-19 và 79 ca tử vong.

Như vậy, Philippines hiện có 261.216 ca bệnh, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.371 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia báo cáo thêm 3.636 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 218.382 ca. Số ca tử vong cũng tăng 73 ca lên thành 8.723 ca, cao nhất Đông Nam Á.

Từ ngày 14/9, thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ tái áp đặt các hạn chế trên diện rộng nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Tại châu Âu, ngày 13/9 là ngày thứ 3 liên tiếp Cộng hòa Czech ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.

Theo đó, với 1.541 ca mắc mới, tổng số ca bệnh ở Cộng hòa Czech đã tăng lên 35.401 ca, trong đó có 453 ca tử vong. Hiện, 60% số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở Cộng hòa Czech ở mức trên 1.000 ca sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi tháng Tám.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, trong 14 ngày qua, Cộng hòa Czech ghi nhận 94 ca mắc trong số 100.000 dân, mức mà trước đây chỉ xảy ra tại Tây Ban Nha và Pháp.

Số ca mắc COVID-19 ở Cộng hòa Czech đã tăng nhanh trở lại sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế trong những tháng mùa Hè, khi mà nhu cầu đi nghỉ tăng cao.

Cộng hòa Czech đến giữa tháng Sáu mới ghi nhận số ca bệnh ở mức trên 10.000 ca và giữa tháng 8 ở mức trên 20.000 ca. Tuy nhiên, số ca bệnh đã nhanh chóng vượt ngưỡng 30.000 ca trong tuần vừa qua.

Trước tình hình này, Đức ngày 9/9 vừa qua đã quyết định cách ly tất cả những người đến từ thủ đô Praha của Czech trong 14 ngày nếu họ không trình được giấy chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Áo cũng đang bắt đầu chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng gần bằng các quốc gia châu Âu khác.

Trong tuyên bố ngày 13/9, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo nước này có thể sẽ sớm ghi nhận 1.000 ca mắc mới mỗi ngày, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch và hạn chế tiếp xúc xã hội.

Trong hai ngày 11-12/9, Áo phát hiện thêm 869 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 50% ghi nhận ở thủ đô Vienna. Như vậy, nước này hiện có hơn 33.000 ca bệnh và 750 ca tử vong.

Do lo ngại dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Kurz thông báo chính phủ nước này sẽ gia hạn lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và áp đặt thêm các hạn chế đối với việc tổ chức các sự kiện từ ngày 14/9.

Theo đó, đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc tại tất cả các cửa hàng, siêu thị và trên phương tiện giao thông công cộng.

Chính phủ Israel ngày 13/9 đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần, kể từ 14h ngày 18/9, nhằm ngăn chặn đà lây lan đại dịch COVID-19 hiện nay.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo lệnh phong tỏa, đồng thời cho biết biện pháp này "có thể kéo dài" sau thời hạn 3 tuần, tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm dịch bệnh.

Quyết định phong tỏa có hiệu lực đúng kỳ nghỉ lễ Năm Mới của người Do Thái. Mọi trường học, nhà hàng, khách sạn, phòng tập thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại và hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Người dân chỉ được phép đi cách nhà 500m, trừ trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân không tiếp khách vẫn hoạt động bình thường. Các siêu thị và hiệu thuốc vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng.

Thủ tướng Israel cho hay quyết định tái áp đặt phong tỏa được đưa ra sau khi giới chức y tế cấp cao cảnh báo tình trạng lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó ngay lập tức, nếu không sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống y tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Israel cảnh báo lệnh phong tỏa sẽ khiến nền kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 6,5 tỉ Shekel (1,8 tỉ USD). Đợt phong tỏa trước đó trong tháng 3-4/2020 đã khiến kinh tế Israel rơi vào suy thoái.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Israel đã ghi nhận 153.759 người mắc, trong đó 114.635 bệnh nhân bình phục và 1.108 trường hợp tử vong.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245560/philippines-indonesia-co-them-hang-nghin-ca-mac-covid-19-moi-moi-ngay.html