Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội thảo Tiềm năng, liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc

Chiều 28.4, tại Tuyên Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học 'Tiềm năng, liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc' do Hội đồng Dân tộc, UBND tỉnh Tuyên Quang và Viện Kinh tế - Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp hình lưu niệm

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp hình lưu niệm

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Đề xuất giải pháp thiết thực, huy động nguồn lực, liên kết cùng phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng dự Hội thảo trong không khí cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2023), thống nhất đất nước, 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1.5), Giỗ tổ Hùng Vương và hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao Hội đồng Dân tộc, UBND tỉnh Tuyên Quang và Viện Kinh tế - Văn hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo nhằm tập hợp trí tuệ, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, huy động nguồn lực và liên kết để cùng phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc.

6 tỉnh chiến khu Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và các địa phương vùng An toàn khu “Thủ đô kháng chiến” năm xưa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội; với hơn 20 dân tộc sinh sống. Nhân dân ở đây có truyền thống yêu nước, trung kiên, nghĩa tình, đoàn kết kiên cường chống ngoại xâm, sớm theo cách mạng, theo Đảng. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chiến khu Việt Bắc năm xưa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vui mừng nhận thấy, trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng, các tỉnh Tây Bắc đã phát huy lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu... để bứt phá đi lên. Nhất là vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 10.2.2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, vùng Tây Bắc nói chung, 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh; kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, nhiều nguồn lực và lợi thế của vùng chưa được khai thác và phát huy tốt… đang là tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Việt Bắc là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị. “Đó không chỉ thể hiện tình nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà chính là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết các dân tộc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Bắc”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Với tiềm năng, thế mạnh ở cấp độ khác nhau, các tỉnh Việt Bắc đều chọn phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hoặc quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ngày 16.1.2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy các tỉnh đã ra Nghị quyết nhằm đưa du lịch trong vùng lên tầm cao mới. Ghi nhận nỗ lực này, song theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhìn chung, du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, kỳ vọng, mong muốn của đồng bào; nhiều danh lam thắng cảnh của các tỉnh nơi đây chưa được phát huy, khai thác hiệu quả.

Triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đặt vấn đề làm thế nào để du lịch Chiến khu Việt Bắc phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần làm cho Việt Bắc giàu đẹp hơn cùng cả nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các địa phương lưu ý một số nội dung.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc

Trước hết, cần quan tâm triển khai đồng bộ Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Hai là, các tỉnh trong vùng tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu của Chiến khu Việt Bắc, có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế, như du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch nông - lâm nghiệp… Đặc biệt chú trọng đến loại hình sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống, yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Ba là, phát triển du lịch vùng phải có trọng tâm, trọng điểm, từng bước chuyên nghiệp; đồng thời, gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, các giá trị sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Bốn là, các tỉnh chiến khu Việt Bắc cần đẩy mạnh các chương trình liên kết hợp tác trong phát triển du lịch, xây dựng những mô hình liên kết hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá; trong đó đặc biệt chú trọng đến liên kết nội vùng giữa các tỉnh chiến khu Việt Bắc; liên kết du lịch với TP. Hà Nội; liên vùng trong cả nước và liên kết quốc tế…

Năm là, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, cần đánh giá rà soát đề xuất giải pháp hiệu quả, thiết thực phát triển du lịch cho các tỉnh; kiến nghị những cơ chế đặc thù, chính sách đột phá, có ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án lớn, có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao hoặc những chính sách hỗ trợ người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tiềm năng, lợi thế và xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết. Xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng; nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông. Đặc biệt, đề xuất các giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương; giải pháp quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ kinh tế - xã hội; vai trò của doanh nghiệp trong liên kết du lịch; giải pháp để tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch…

Với tình cảm thân thiết, niềm tin và trách nhiệm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, trong thời gian tới, các tỉnh chiến khu Việt Bắc có những giải pháp khả thi, phối hợp liên kết tốt để đưa ngành du lịch các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc phát triển “Chất lượng - Hấp dẫn - Hiệu quả”, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của vùng chiến khu Việt Bắc và trong cả nước.

Liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc - một trong những yêu cầu hết sức cấp thiết

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, "phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nội dung này cũng được xác định cụ thể hơn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Trong khi đó, Chiến khu Việt Bắc nằm trọn trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - là một trong 6 vùng địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và là một trong 7 vùng du lịch của cả nước đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước nhận thức vai trò quan trọng của du lịch là động lực cho phát triển kinh tế của các địa phương trong Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc là một trong những yêu cầu hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, với nhiều ý nghĩa quan trọng, với doanh nghiệp, người dân nói chung và đặc biệt đối với đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh.

Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến một cách cởi mở, thẳng thắn, trí tuệ và trách nhiệm trước những vấn đề lớn trong thực trạng liên kết du lịch khu vực Chiến khu Việt Bắc hiện nay. Qua đó, tìm ra hướng đi và giải pháp phù hợp, gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử chiến khu Việt Bắc, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ người Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, công tác liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc đã được quan tâm và thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả trong phát triển du lịch, trong đó, chương trình liên kết “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và mũi nhọn, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch của các tỉnh vừa qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được sức mạnh cho thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng các tỉnh tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế; một số hoạt động hợp tác chưa đạt hiệu quả cao, mối liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch còn lỏng lẻo dẫn đến nguồn cung khách du lịch đến các tỉnh chưa được ổn định…

Một số ý kiến, kiến nghị, các địa phương cần phối hợp trong chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ kết hợp ẩm thực và mua sắm trên cơ sở các định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào thế mạnh của mỗi địa phương cũng như của toàn vùng Chiến khu Việt Bắc. Phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng, có thương hiệu thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của vùng chiến khu Việt Bắc trong nước và quốc tế; xác định các chương trình du lịch điển hình cho du lịch toàn vùng; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách…

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị nói riêng cũng như của các địa phương nói chung…

Tin và ảnh: Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-hoi-thao-tiem-nang-lien-ket-phat-trien-du-lich-cac-tinh-chien-khu-viet-bac-i326206/