Phòng, chống ngập úng cho cây trồng vụ mùa

Nhằm chủ động công tác phòng, chống ngập úng bảo vệ cây trồng vụ mùa, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang chủ động triển khai thực hiện các giải pháp tiêu úng cho cây trồng khi có mưa lớn xảy ra.

Đơn vị quản lý công trình nạo vét bể hút và kênh dẫn Trạm bơm Xuân Yên (Thọ Xuân).

Đơn vị quản lý công trình nạo vét bể hút và kênh dẫn Trạm bơm Xuân Yên (Thọ Xuân).

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, trong vụ thu mùa năm 2024 diện tích có khả năng xảy ra ngập úng trên địa bàn tỉnh khi có mưa lớn xảy ra khoảng 9.200ha. Trong đó, huyện Hà Trung có diện tích ngập tập trung ở một số xã như: Hà Châu, Hà Thái, Hà Lai, Hà Hải, Yên Dương, Hà Tiến, Lĩnh Toại, Hà Đông, Hà Ngọc... khoảng 1.630ha. Huyện Yên Định, diện tích ngập thuộc các xã Yên Phú, Yên Trung, Định Liên, Định Tăng, Định Hưng, Định Tiến... vùng tiêu tự chảy ra sông Cầu Chày với diện tích 1.200ha. Huyện Vĩnh Lộc diện tích ngập thuộc các xã Ninh Khang, Vĩnh Hòa, Vĩnh An, Vĩnh Hưng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tiến... vùng tiêu tự chảy qua các cống tiêu qua đê sông Mã, sông Bưởi và vùng tiêu của Trạm bơm Cầu Mư với diện tích 900ha. Huyện Thọ Xuân có các xã Thuận Minh, Nam Giang, Xuân Giang, Xuân Hồng, Xuân Hưng, Bắc Lương... thuộc vùng tiêu tự chảy ra sông Cầu Chày và sông Hoàng với diện tích 1.100ha. Các xã vùng III huyện Nông Cống với diện tích ngập 2.000ha. Các huyện Vĩnh Lộc 900ha, Ngọc Lặc 530ha, Triệu Sơn 450ha, Thiệu Hóa 200ha, Nga Sơn 170ha, thị xã Nghi Sơn 910ha và các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hậu Lộc, TP Sầm Sơn với diện tích từ 10 đến 100ha.

Để chủ động ứng phó với ngập úng cho cây trồng do bão lũ gây ra, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của Nhân dân, ngay từ đầu năm 2024 các địa phương kiện toàn bộ máy ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão; tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong công tác phòng, chống úng lụt để chủ động phòng tránh. Chi cục Thủy lợi tổ chức kiểm tra công trình trước lũ, đánh giá đúng mức độ hư hỏng, an toàn công trình và xây dựng kế hoạch tu sửa công trình, kế hoạch nạo vét kênh tiêu liên huyện. Các địa phương và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã tổ chức, huy động lực lượng ra quân đồng loạt nạo vét khơi thông dòng chảy, phá bỏ ách tắc tại các hệ thống tiêu trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng cùng nhiều máy móc cơ giới triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh trục tiêu. Từ ngày 20/5 đến 20/6/2024, toàn tỉnh đã ra quân nạo vét, tháo dỡ ách tắc, vớt bèo tây, bè mảng, rau muống với chiều dài 638.992m, khối lượng 518.389m3. Trong đó, kênh liên huyện, liên xã 102.088m3, kênh nội đồng 416.301m3; vớt bèo tây, bè mảng, rau muống 1.423.036m2.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, cho biết: Hàng năm, trước mùa mưa bão đơn vị đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra công trình trước lũ 2024, đôn đốc các đơn vị quản lý, khai thác tu sửa, bảo dưỡng các cống tiêu, các cống ngăn lũ, các trạm bơm tiêu úng, công trình hồ đập. Đồng thời, tổ chức kiểm tra vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van tràn xả lũ đảm bảo vận hành tốt trong mùa mưa bão và chủ động tiêu nước đệm trước khi có mưa lớn xảy ra. Cùng với đó, đôn đốc các đơn vị huy động lực lượng nạo vét kênh tiêu, giải tỏa ách tắc, xử lý lấn chiếm công trình tiêu thoát, các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên các hệ thống kênh, trục tiêu lớn, như: sông Lê, sông Hoàng, sông Nhơm, sông Lý, sông Đơ, sông Rào, sông Bến Ngự... Chi cục tổ chức phân công cán bộ theo dõi, nắm vững tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, úng ngập và yêu cầu các địa phương, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo kế hoạch tưới tiêu, nhằm tiết kiệm nước. Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để kịp thời cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và chống hạn, úng năm 2024, đảm bảo an toàn công trình.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phong-chong-ngap-ung-cho-cay-trong-vu-mua-218446.htm