Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

Hằng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em. Bởi vậy, vấn đề đuối nước trẻ em đã và đang trở thành mối quan tâm của xã hội. Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em.

Lớp học bơi của học sinh Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel (phường Đông Quang).

Lớp học bơi của học sinh Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nobel (phường Đông Quang).

Vào chiều 12/4/2025, một nhóm học sinh lớp 10 của Trường THPT Triệu Sơn 2 rủ nhau vào mỏ quặng cromit thuộc địa bàn xã Tân Ninh để đá bóng. Sau đó, các em rủ nhau xuống hồ nước để tắm. Hồ nước nơi các em tắm được tạo thành từ việc khai thác quặng cromit nhiều năm về trước. Điều không may đã xảy đến khi hai em T. và D. chới với giữa hồ nước sâu, dẫn đến bị đuối nước. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm và vớt được thi thể hai em.

Tương tự, chiều 27/3/2025, hai em C. và H., học sinh Trường THCS Cẩm Vân, rủ nhau ra bến sông Mã để tắm. Quá trình tắm, hai em C. và H. cùng mất tích dưới sông. Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình và Nhân dân địa phương đã tìm thấy thi thể hai em cách vị trí xảy ra vụ đuối nước không xa.

Các vụ đuối nước trên không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình mà còn bộc lộ nhiều cái thiếu trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em ở các lứa tuổi. Theo thống kê, từ đầu tháng 1/2025 đến ngày 25/5/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ TNTT trẻ em, làm 14 trẻ em tử vong. Trong đó, có 1 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 1 trẻ em; 8 vụ đuối nước, gây tử vong 13 trẻ em, chiếm 89% tổng số vụ TNTT trẻ em. Từ số liệu thống kê cho thấy, có hơn 92% số trẻ em tử vong do đuối nước. Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung là do một số phường, xã chưa chỉ đạo sát sao việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời, hoạt động truyền thông về tai nạn đuối nước trẻ em chưa được tổ chức sâu rộng ở mỗi địa phương. Hoạt động dạy bơi và trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em còn nhiều hạn chế. Số lượng trẻ em trên địa bàn tỉnh được học bơi an toàn và trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tương đối ít. Mặt khác, nhà trường, gia đình còn thiếu sát sao trong quản lý học sinh trong dịp nghỉ hè.

Để phòng ngừa TNTT, tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ em, các cấp, các ngành của tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 25/9/2021 của UBND tỉnh về “Phòng, chống TNTT trẻ em, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân tại địa phương, đơn vị để chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống TNTT và tai nạn đuối nước trẻ em với hình thức phong phú, nội dung thiết thực, dễ tiếp cận, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Bên cạnh đó, từ tỉnh đến các phường, xã chủ động tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em”, các chương trình, dự án phòng, chống đuối nước trẻ em do tổ chức trong, ngoài nước tài trợ. Đó còn là việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, học sinh, đặc biệt kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, như: Tai nạn giao thông, đuối nước, rơi, ngã, đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi và cấp học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, truyền thông nội bộ hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước cho học sinh.

Đối với các xã, phường thực hiện rà soát, lập danh sách các khu vực, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước đối với trẻ em, như: Hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông; bãi biển, bãi tắm, sông, suối, ao, hồ, khu vực nước sâu, nguy hiểm và công trình chứa nước... Trên cơ sở đó, tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước. Trọng tâm là ưu tiên nguồn kinh phí làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, biển cảnh giới, phao cứu sinh, cứu hộ. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực cảnh giới, tổ chức ứng cứu nhanh tại các địa điểm có nguy cơ cao về tai nạn đuối nước. Các xã, phường cũng cần thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến người dân việc giám sát, hướng dẫn trẻ em về nguy cơ bị tai nạn đuối nước trong những ngày hè.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phong-chong-tai-nan-nbsp-duoi-nuoc-cho-tre-em-253955.htm