Phong điện - Tương lai bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam

Trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương xây dựng, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất khoảng 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2045.

Trong đó, điện gió (hay còn gọi là phong điện cũng sẽ chiếm một tỷ lệ quan trọng). Các nguồn phong điện chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Tiềm năng

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công Thương, tuy mới chỉ có 2.688,68MW điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (11.800MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch), ngoài số đã hòa lưới và một số đã triển khai thi công, phần lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến cuối năm 2021 mới hoàn thành... Nhưng theo đánh giá của Bộ này, số dự án nhà máy phong điện sẽ tăng nhanh dần trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của các thành viên Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, GWEC cho rằng, Việt Nam có tiềm năng sản xuất lên tới 475MW điện gió ngoài khơi. Theo các thành viên trong đoàn GWEC (GWEC là tổ chức quốc tế đại diện cho ngành năng lượng gió, gồm hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia), điện gió ngoài khơi khi đạt 40 - 50% công suất tiềm năng có thể hoàn toàn thay thế cho nhiệt điện.

Bên cạnh đó, các ngành năng lượng toàn cầu nói chung đang có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam dự kiến công suất điện gió chỉ là 2GW. Đại diện nhà đầu tư muốn tăng công suất này trong quy hoạch lên 10GW để yên tâm đầu tư. Việc này theo nhà đầu tư là không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu thế giới, điện gió còn là nguồn năng lượng sạch, được các ngân hàng và tổ chức tài chính trên thế giới ưu tiên thu xếp vốn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đến nay, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Tuy nhiên, một số bất cập trong quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch nguồn điện có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện. Trong bối cảnh này, điện gió là một trong những hướng phát triển của Việt Nam, song cần tính toán kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm từ việc phát triển điện mặt trời áp mái ồ ạt như vừa qua.

Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió. Với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng đến nay, năng lượng gió vẫn phát triển một cách khiêm tốn. Các chuyên gia phong điện cho rằng, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512GW.

Và thực tế...

Theo EVN, hiện nay, trên cả nước có gần 50 dự án về điện gió đăng ký với tổng công suất gần 500 MW. Tuy nhiên, các dự án đã đi vào vận hành còn chưa nhiều, chỉ có bảy dự án đang vận hành với tổng công suất 190MW. Tiêu biểu có thể kể đến các dự án như: Tuy Phong - Bình Thuận, Phú Lạc, Mũi Dinh, Bạc Liêu, Đầm Nại... Số còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc rơi vào giai đoạn khó khăn của việc tìm nhà đầu tư.

Vì sao điện gió với “tiềm năng lớn” vẫn không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước? Thông qua các cuộc hội thảo, bàn luận, nhiều lý do được đưa ra tập trung vào các quyết định hành chính, chính sách ưu đãi, nguồn vốn, hạ tầng...

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tạp Chí Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương), nhìn nhận, tính khả thi của quy hoạch được lý giải như sau: “Do tác động của dịch Covid-19, công tác triển khai xây dựng gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế FIT, mạng lưới truyền tải chưa đáp ứng, khối lượng lưới chưa đủ lớn để truyền tải, nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000ha, vấn đề mất đất trồng trọt và kế sinh nhai của người dân đang là mối quan tâm sâu sắc”.

Ngoài những thách thức nêu trên, điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam, khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều đặc điểm ưu việt, lợi ích. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề về công nghệ cũng như chi phí phát triển.

Theo PGS, TS Bùi Huy Phùng - Viện Khoa học Năng lượng (Bộ Công thương): “Giá điện gió trên thế giới những năm gần đây đã giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này. Ở Việt Nam, giá điện gió và điện mặt trời cũng đang giảm nhanh, không còn đắt như những năm trước và hoạt động phát triển nguồn điện này cũng bắt đầu khởi sắc. Chính phủ cũng đang tạo các điều kiện để đẩy nhanh việc phát triển nguồn năng lượng sạch này”.

Được xem là nguồn năng lượng sạch vì không tạo ra phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy, để phát triển nguồn năng lượng sạch này ở Việt Nam vẫn đang là một thách thức khá lớn đối với Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp.

Trong các nhà đầu tư phong điện có năng lực nhất hiện nay trong nước, có thể kể như Tập đoàn Kosy, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam), Bim Group... Từ cuối tháng 8/2016, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam đã đầu tư một nhà máy điện gió với công suất lên tới 151,95MW, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 39,95MW (17 tua bin, 2,35MW); giai đoạn 2: 112MW (28 tuabin, 4MW). Nhà máy này đặt tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Tiếp theo đó, Trung Nam tiếp tục đầu tư các dự án phong điện lớn khác như: Tại Ninh Thuận, Trung Nam Group đầu tư Nhà máy Điện gió số 5 (điện gió Phước Hữu) với tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng... Cùng với các dự án của một số các chủ đầu tư khác, các dự án này đã ghi dấu ấn, năng lực của một doanh nghiệp trong nước có khả năng đóng góp, đầu tư, phát triển nguồn điện “xanh” này tại Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phong-dien--tuong-lai-ben-vung-cho-nganh-nang-luong-viet-nam-post128847.html