Phòng ngừa tai nạn khi đi dã ngoại

Trong những năm qua, trên toàn tỉnh đã xảy ra một số sự cố, tai nạn khi người dân đi dã ngoại, thậm chí dẫn tới thiệt mạng khiến lực lượng cứu nạn phải mất nhiều thời gian giải cứu, tìm kiếm.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đưa thi thể một nạn nhân đuối nước tại hồ Trị An ngày 9-3 lên bờ. Ảnh: Công an cung cấp

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đưa thi thể một nạn nhân đuối nước tại hồ Trị An ngày 9-3 lên bờ. Ảnh: Công an cung cấp

* Nhiều sự cố, rủi ro bất ngờ

Đồng Nai có nhiều danh lam thắng cảnh, hồ, thác thiên nhiên, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, giải trí. Nhiều hoạt động được du khách ưa chuộng là tắm hồ, thác, chèo thuyền và leo núi. Do bất cẩn, chủ quan, thiếu kỹ năng phòng ngừa rủi ro nên nhiều trường hợp bị đuối nước, đi lạc nhiều ngày trên núi, nguy hiểm đến tính mạng.

Gần nhất, vào ngày 10-3, Công an H.Xuân Lộc phối hợp các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn 2 người dân tại TP.HCM bị lạc đường khi leo núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Từ khi nhận được điện thoại của nạn nhân đến khi tìm thấy 2 người đi lạc mất khoảng 1,5 giờ và phải tốn thêm 3 giờ nữa để đưa 2 nạn nhân xuống chân núi an toàn.

Hoặc đáng tiếc hơn, vào ngày 9-3, một nhóm thanh niên ở TP.Biên Hòa đến hồ Trị An (đoạn qua địa bàn xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) chơi và dùng thùng xuồng tự chế để chèo ra hồ. Tuy nhiên, khi đến giữa lòng hồ thì xuồng bị lật, cả nhóm bơi vào bờ nhưng nạn nhân Đ.Q.M. đã đuối sức, chìm xuống lòng hồ. Lực lượng cứu nạn đã tổ chức tìm kiếm và đưa được thi thể nạn nhân lên bờ vào tối cùng ngày.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, tại hồ Trị An và núi Chứa Chan từng xảy ra nhiều sự cố tương tự các vụ việc nêu trên. Như tại núi Chứa Chan, vào cuối tháng 3-2019, đã có 1 thanh niên (ngụ TP.Biên Hòa) đi lạc 3 ngày; đầu tháng 4-2020, lại có nhóm 5 thanh niên đi lạc 5 ngày khi lên núi tìm hoa lan… Còn như hồ Trị An, năm nào cũng ghi nhận một vài trường hợp đuối nước do tắm hoặc chèo thuyền ra hồ không đảm bảo an toàn.

* Lưu ý các biện pháp an toàn

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, để hạn chế các sự cố đi lạc, đuối nước nói trên, lực lượng công an và cơ quan chức năng các địa phương (nơi có các hồ, núi) thường xuyên chỉ rõ, cảnh báo các khu vực nguy hiểm cũng như nguy cơ có thể gặp phải. Đồng thời, định kỳ tổ chức tập huấn công tác cứu nạn, cứu hộ, sơ cứu cho lực lượng cơ sở (công an cấp xã, dân phòng…); tuyên truyền các nguy cơ tai nạn rủi ro cho học sinh, sinh viên.

Chỉ tính trong năm 2021, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh đã thực hiện 45 vụ cứu nạn, cứu hộ gồm: 12 vụ vớt xác trôi sông, 12 vụ tự tử, 7 vụ đuối nước, 6 vụ cứu nạn trên cao (nghi sử dụng ma túy đá), 5 vụ cứu nạn tai nạn giao thông, 2 vụ cứu nạn dưới giếng sâu, 1 vụ đi lạc. Kết quả tìm kiếm được 28 thi thể nạn nhân, cứu được 13 nạn nhân đưa đến nơi an toàn.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết thêm, để hạn chế các nguy cơ về đuối nước, người dân không được chủ quan mà phải luôn có sự đề phòng khi di chuyển trên xuồng vào các vùng sông, hồ, suối. Cụ thể là chú ý kiểm tra chất lượng phương tiện, mặc áo phao trong quá trình di chuyển. Đối với trường hợp đi bơi càng phải chú ý hơn quá trình chuẩn bị trên bờ (khởi động, ăn uống, thao tác an toàn…) và chỉ nên bơi gần bờ; đồng thời, nghe theo lời khuyên của người có chuyên môn, hoặc cảnh báo của dân địa phương khi bơi ở vùng nước lạ.

Ông Nguyễn Duy Hiếu, nhân viên Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Xuân Lộc (đơn vị phụ trách quản lý núi Chứa Chan) khuyến cáo, trước khi đi du lịch đến núi Chứa Chan, người dân cần tìm hiểu rõ về rừng, không nên thực hiện chuyến đi một mình, mà cần đi theo nhóm. Đặc biệt, cần xác định tuyến đường và thời gian đi, lưu trú. Phải thông báo cho gia đình, bạn bè hoặc cơ quan sở tại về địa điểm, tuyến đường và thời gian mình sẽ thực hiện chuyến đi. Nên trang bị các thiết bị có chức năng GPS dẫn đường, hoặc điện thoại có kết nối mạng. Tìm hiểu những nguy hiểm có thể gặp phải khi đi phượt tại núi Chứa Chan từ người đân địa phương. Cần tính toán thời gian thực hiện chuyến đi để chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, nhất là nước uống.

Theo Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Xuân Lộc, khi bị lạc, người dân cần liên hệ với cơ quan chức năng sở tại ngay lập tức qua điện thoại, khi đã liên hệ được cần mô tả vị trí và ở yên chờ cơ quan chức năng. Nếu điện thoại có thể kết nối mạng cần chia sẻ vị trí cho đoàn tìm kiếm. Nếu đi vào lối mòn mà bị lạc cần quay lại vị trí ban đầu từ chính lối mòn đó. Nếu bị lạc vào nơi không có lối mòn, cần bình tĩnh và tìm kiếm vị trí cao nhất để xác định phương hướng vì bao quanh núi Chứa Chan là khu dân cư nên cần xác định hướng để đi xuống, xác định vị trí rẫy của người dân để đi xuống. Tránh đi vào các khu vực bãi đá và có cỏ cao phủ đầu vì sẽ khó xác định phương hướng. Nếu bị lạc vào ban đêm, cần ở yên vị trí, tìm kiếm nơi cao ráo để ngủ, tránh đi tìm đường vì có thể đi sâu thêm vào trong rừng hoặc bị thú rừng tấn công, trượt chân ngã bị thương khi đi vào các bãi đá. Cần đi theo nhóm để tìm đường, tránh tách riêng lẻ. Hạn chế sử dụng lương thực tối đa, nhất là nước.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202203/phong-ngua-tai-nan-khi-di-da-ngoai-3107371/