Phong trào trồng cây, trồng rừng ở Mai Sơn

Phong trào trồng cây, trồng rừng ở huyện Mai Sơn đang được các đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhân dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, trồng cây phân tán trên các tuyến đường.

Nhân dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, trồng cây phân tán trên các tuyến đường.

Năm 2024, huyện Mai Sơn đặt mục tiêu trồng mới 123ha rừng tập trung và 65.000 cây phân tán. Huyện đã giao chỉ tiêu trồng rừng, cây phân tán cho từng xã, thị trấn; thành lập tổ công tác thực hiện chủ trương “Phủ xanh đất trống bằng trồng rừng, trồng cây phân tán đa mục tiêu”. Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, tổ chức trồng cây phân tán dọc theo các tuyến đường liên bản, nội bản, khu vực có nguy cơ xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ sinh thái, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp khu dân cư.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Tổ phó tổ công tác thực hiện chủ trương “Phủ xanh đất trống bằng trồng rừng, trồng cây phân tán đa mục tiêu”, cho biết: Tổ công tác phối hợp với các địa phương khảo sát, dự kiến diện tích trồng rừng đưa vào tổ chức thiết kế thực hiện, đảm bảo chỉ tiêu và nhu cầu trồng rừng của nhân dân. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, tổ công tác phối hợp với Ban quản lý dự án phát triển lâm nghiệp bền vững huyện tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mua cây giống đảm bảo các chỉ tiêu, nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng đúng khung thời vụ, đảm bảo chất lượng cây trồng đạt tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt nhất.

Đến nay, toàn huyện trồng trên 50,5ha rừng, gồm 12ha rừng sản xuất, 17,5ha rừng trồng khắc phục vi phạm và hơn 21ha trồng lại rừng sau khai thác. Đối với trồng rừng phòng hộ 73ha, Hạt Kiểm lâm huyện đang khẩn trương triển khai quy trình đầu tư, thực hiện trồng xong trong tháng 8/2024. Bên cạnh đó, huyện trồng trên 26.000 cây phân tán dọc đường giao thông, đường phân định ranh giới đất lâm nghiệp và trồng ở vườn đồi, khuôn viên. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã trồng được 647ha rừng các loại và gần 117.000 cây phân tán các loại, trong đó, cây phân tán trồng theo ngân sách nhà nước hỗ trợ 34.000 cây, cây phân tán trồng từ nguồn xã hội hóa được 82.977 cây, nâng tổng diện tích rừng toàn huyện lên 55.400ha, tăng 1.795,9ha so với chỉ tiêu nghị quyết.

Nà Bó là một trong những địa phương làm tốt công tác vận động trồng rừng. Ông Hoàng Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Với phương châm “Trồng cây nào sống cây ấy, trồng diện tích nào thành rừng diện tích ấy”, xã thành lập các tổ công tác phụ trách đến từng bản, hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Riêng năm 2024, xã được giao chỉ tiêu trồng 2.500 cây phân tán các loại, đến nay, trồng được 420 cây. Dự kiến, trong tháng 7, sẽ huy động các bản vận động nhân dân đóng góp, sử dụng kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng mua cây giống, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giao.

Ông Hà Văn Vân, bản Nà Hường, xã Nà Bó, chia sẻ: Từ chủ trương chung của xã và tập quán canh tác từ lâu của nhân dân trong việc gắn bó với rừng, năm 2022, tôi quyết định đưa cây quế vào trồng trên 1,5ha đất nương của gia đình vì đất ở đây rất dốc. Khi đăng ký trồng rừng với xã, tôi được cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn hướng dẫn cách xử lý đất, đào hố trồng, cách phòng sâu bệnh hại. Đến nay, cây phát triển tốt, trở thành nguồn lợi phát triển kinh tế, giúp gia đình vươn lên làm giàu.

Còn tại xã Chiềng Ban, năm 2024, xã được giao chỉ tiêu trồng mới 30ha rừng. Sau 2 tháng triển khai, xã đã trồng mới 29ha rừng, trong đó trồng 8ha rừng khắc phục vi phạm lâm luật; 21ha rừng sau khai thác. Dự kiến trong tháng 7, xã tiếp tục vận động nhân dân các bản trồng thêm 5 ha rừng.

Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, nói: Điểm nổi bật vụ trồng rừng năm nay, ngoài nguồn đóng góp của nhân dân, xã vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, HTX hỗ trợ cây giống cho bà con. Thay vì tập trung cây trồng rừng truyền thống, bà con quan tâm, đầu tư lựa chọn trồng các cây trồng rừng đa mục tiêu, điển hình là cây quế, mắc ca, dổi.

Để kinh tế rừng phát triển bền vững, cùng với việc quy hoạch diện tích phù hợp, huyện Mai Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện mục tiêu gắn bảo vệ, phát triển, trồng mới rừng với đảm bảo môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; gắn nhiệm vụ giữ rừng, trồng mới rừng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phong-trao-trong-cay-trong-rung-o-mai-son-IY5UpglIg.html