Phóng viên ngày nay cần có kỹ năng công nghệ thông tin

Trong thời đại mới, các phóng viên, biên tập viên của các tạp chí lý luận chính trị được kỳ vọng phải có kiến thức chính trị vững vàng cũng như kỹ năng công nghệ thông tin.

 PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tại tọa đàm “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”. Ảnh: Nguyễn Chắt.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tại tọa đàm “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”. Ảnh: Nguyễn Chắt.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925 - 2023), sáng 15/6 tại Hà Nội, Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản phối hợp với Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nói: “Đội ngũ cán bộ làm báo nói chung, tạp chí lý luận chính trị nói riêng phải có đủ phẩm chất, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt, cần có kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản”.

Nhiều đại biểu từ các đơn vị làm báo, tạp chí chính trị cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng phóng viên, biên tập viên ngày nay buộc phải có kỹ năng công nghệ thông tin.

Thời kỳ bùng nổ thông tin với nhiều nguy cơ, thách thức

Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho nhắc đến sự bùng nổ của chuyển đổi số, những bước tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình trạng thông tin sai lệch bị lan truyền, khiến cho công tác tuyên truyền chính trị gặp nhiều trở ngại.

Cùng đó, những bước tiến công nghệ đặt ra đòi hỏi mới, thách thức mới cho đội ngũ phóng viên và biên tập viên. PGS.TS Phạm Minh Tuấn cho rằng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các tạp chí lý luận chính trị cần phát triển kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản để có thể đáp ứng được những yêu cầu của thời đại.

TS Nguyễn Thị Như, Phó trưởng ban chuyên đề, ban Thư ký Chi hội nhà báo Tạp chí Cộng sản, cũng cho rằng phóng viên, biên tập viên, ngoài việc phải có trình độ nghiệp vụ và chuyên môn giỏi, còn cần có trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học. Bà nói: “Đây là những yếu tố cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và khắc phục tình trạng tụt hậu của báo chí trong nước so với mặt bằng chung của giới báo chí đương đại trên toàn thế giới”.

Trước chủ đề này, các đại biểu đã bàn luận sôi nổi, tranh luận rằng ngoài việc am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, phải yêu nghề, trong bối cảnh mới, phóng viên cần có kỹ năng công nghệ thông tin. Ông Phạm Minh Tuấn khẳng định đây là một yêu cầu cơ bản. Nhưng đồng thời, ông đặt ra câu hỏi về cách xây dựng lộ trình nâng cao kỹ năng này như thế nào.

Ông gợi ý mỗi cơ quan báo chí và tạp chí chủ động xây dựng chương trình phù hợp, hoặc cùng phối hợp với các cơ quan khác để tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của mình.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, để biết cách ứng phó với các vấn đề mới về chuyển đổi số, bản thân các phóng viên, biên tập viên cũng cần chủ động nghiên cứu, học tập để có kiến thức rộng và bao quát, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới.

 PGS.TS Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM, Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia HCM. Ảnh: Anh Vũ.

PGS.TS Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM, Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia HCM. Ảnh: Anh Vũ.

Rèn luyện năng lực chính trị

Trình bày tham luận của mình, TS Nguyễn Thị Oanh, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Chính trị và Phát triển nói: “Một điều quan trọng nhất với tạp chí lý luận chính trị là tâm thế, là đạo đức nghề nghiệp của các phóng viên, biên tập viên, đây cũng là điểm khác biệt của tạp chí với mạng xã hội. Mạng xã hội là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên mạng xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang”.

Trong những trường hợp như vậy, bà cho rằng tạp chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các phóng viên, biên tập viên cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. “Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của tạp chí lý luận ngày nay và đó là trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên”.

Ghi nhận những ý kiến từ các đại biểu, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thêm rằng phóng viên, biên tập viên của các tạp chí lý luận chính trị cần đặc biệt có sự nhạy cảm chính trị và bản lĩnh chính trị, có năng lực nhận thức về lý luận chính trị, có trình độ lý luận chính trị cao, có năng lực nghiên cứu lý luận chính trị, năng lực nắm bắt đời sống chính trị.

Có như vậy, các tạp chí lý luận chính trị mới hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lý luận của Đảng. Trong công cuộc đổi mới, các tạp chí lý luận chính trị đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của khoa học lý luận chính trị, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái.

PGS.TS Dương Trung Ý mong rằng các nội dung trao đổi tại tọa đàm “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị” giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí lý luận chính trị ngày càng phát triển toàn diện, có nhiều cống hiến, xứng đáng với sứ mệnh mà nhà nước và nhân dân giao phó.

Anh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-vien-ngay-nay-can-co-ky-nang-cong-nghe-thong-tin-post1440072.html