Phóng viên thông tấn và ký ức 'thời hoa lửa'

Từng tham gia chiến trường khi còn là một phóng viên trẻ của Việt Nam Thông tấn xã, ký ức về những ngày 'đi B' hào hùng, rực lửa vẫn khắc ghi trong tâm khảm của ông Phạm Việt Long. Những kỷ niệm ăn ngủ trong rừng, thâm nhập, đưa tin ở vùng chiến sự và cả thời khắc chiến thắng lịch sử năm 1975 được ông kể lại như những hồi ức đẹp của thời thanh niên sôi nổi...

Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long chụp các đồng nghiệp ở Thông tấn xã tại chiến trường.

Lên đường ra trận

Nhớ lại những ngày đó, nhà báo Phạm Việt Long kể lại, ông chuẩn bị lên đường vào mặt trận vào thời điểm sau chiến dịch Mậu Thân 1968 khi khí thế tiến công, nổi dậy của quân và dân ta rất mạnh mẽ, thậm chí còn hồ hởi tới mức chuẩn bị tinh thần để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Là một phóng viên trẻ nên ông Long đã ấp ủ mong muốn được trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến nơi chiến trường sôi động. Ông đã viết đơn tình nguyện đi B (vào chiến trường) và khi được chấp nhận, ông hết sức phấn khởi, hăng hái.

“Khi đó, tháng 3/1968, đang là phóng viên thường trú của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), tôi nhanh chóng về Hà Nội để tập trung đi B. Hăng hái, khẩn trương đến nỗi không kịp làm thủ tục chuyển giới thiệu Cảm tình Đảng, cũng không kịp chuyển chiếc xe đạp về theo”, ông Long nhớ lại.

Sau chuyến đi công tác Nghĩa Lộ, ông trở về Hà Nội, hưởng một cái Tết gia đình thật vui vẻ rồi nhận được quyết định đi B. “Bao sung sướng! Thế là tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi với bút sách nữa. Chạy nhào lên Sơn La mang các thứ về để kịp tập trung. Riêng cái xe đạp thì phải để lại, vì không có phương tiện chuyên chở, anh em sẽ đem về gia đình giúp khi có điều kiện.

Điều duy nhất làm tôi luyến tiếc là không kịp lấy giấy chuyển đối tượng kết nạp Đảng. Việc phấn đấu, coi như phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, còn có một số tài liệu hay mà không viết được vì lòng cứ rộn lên”, ông kể.

Những ngày hành quân tuy khó khăn, vất vả nhưng lại là những ngày vui và đáng nhớ. “Có những tối hành quân trên đường số 6 thì thật vui. Rừng vốn tĩnh mịch, chỉ có những ánh đom đóm lập lòe nơi thung lũng. Song rừng bỗng chuyển động ầm ầm bởi những đoàn quân đi. Chúng tôi đi hàng hai ven đường, còn lòng đường thì nhường cho từng đoàn xe lớn. Có những đoàn chở vũ khí, phủ bạt kín mít, lầm lũi lăn bánh. Có những chiếc xe xích sắt rú ầm ầm, xủng xoảng, ở ống xả hơi, thỉnh thoảng lửa lại phụt ra, kéo thành một đường lửa nhỏ mà đỏ rực. Có những chiếc ô tô chở đầy chiến sĩ.

Tối quá, không nhìn thấy họ, song nghe giọng nói và tiếng cười của họ, tôi dám chắc rằng họ còn trẻ lắm và nét mặt họ rạng rỡ lắm. Họ hò hát. Họ thét lên với chúng tôi: Đi trước nhé!..”, ông Long bồi hồi nhớ lại.

Chứng kiến khí thế ngút trời của những đoàn quân lên đường ra trận, anh phóng viên trẻ cũng cảm thấy “máu trong người bốc lên hừng hực”. “Tôi muốn băng ngay theo những đoàn xe - chúng đi chếch sang phía Tây để vòng về phương Nam - Tiền tuyến đó”, ông nói.

Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long.

Tác nghiệp vùng chiến sự

Ba năm ở tại Ban Tuyên huấn Khu 5 đã giúp ông Phạm Việt Long học hỏi được rất nhiều về nghiệp vụ và cuộc sống. Khoảng thời gian đó cũng là quãng thời gian mà ông không thể quên những gian khổ, khó khăn mà ông và đồng đội đã phải vượt qua.

Công việc hằng ngày của phóng viên là ghi lại những bản tin ngắn phát trên đài phát thanh để tuyên truyền cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Ngoài những giờ làm việc chuyên môn, ông còn cùng bốn, năm đồng đội đến các kho lương thực của ta đóng rải rác dọc đường Trường Sơn để gùi sắn, cõng khoai… về cơ quan.

Đây là công việc không hề dễ dàng chút nào, nhất là mỗi khi phải đi một mình. “Lúc ấy, tôi chỉ nặng 41kg, cao 1m60, đi dép cao su, nhưng phải mang theo ba lô, khẩu súng lục K54, đi nhanh nhất là một ngày, có khi phải mất đến ba, bốn ngày, khi về phải đeo trên lưng đến 40kg lương thực. Những lúc mệt lả, tôi lại mắc võng, ôm súng nằm ngủ giữa rừng”, ông Long nhớ lại hồi ức vẫn còn sinh động như mới đây thôi...

Bắt đầu từ năm 1971, ông Phạm Việt Long được Ban Tuyên huấn Khu 5 cử đi thực tế lấy tin. Không quản ngại khó khăn, anh phóng viên trẻ “đi cùng nhân dân, sống cùng nhân dân”, tham gia nhiều cuộc nổi dậy của người dân tập kích, vây đánh đồn bốt địch.

Trong quãng thời gian này, ông đã cho ra đời nhiều bài viết xuất sắc như Tam Quan, Những ngày nổi dậy, Hoài Nhơn, Bão táp và ngày mùa... với tư liệu thực tế tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Việt Long cũng từng trực tiếp đi viết tin về các sự kiện giải phóng ở Tiên Phước, Tam Kỳ, Quảng Nam. Tháng 3/1975, ông được phân công làm Phó trưởng đoàn đội quân tuyên truyền khu xuống vùng mới giải phóng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình. Đoàn của ông Long có 72 người, cùng đi có cả nhà văn Phan Tứ.

“Tôi đi trước bằng xe con để kịp thời nắm tình hình làm tin. Buổi trưa, tạm biệt hậu cứ, với những người đồng chí thân mến và người vợ trẻ, tôi khoác ba lô bước lên xe để tiến về Tiên Phước - quê hương của vợ tôi, cũng là cửa ngõ chiến dịch xuống đồng bằng của quân Giải phóng. Xe bon bon trên những con đường ô tô ta mở xuống tận cơ quan huyện. Dọc đường, đầy những xe tải chở vũ khí, quân đội, có cả những chiếc xe tăng hùng dũng”, ông nhớ lại.

Ban chỉ huy tiền phương đại đội ông Phạm Việt Long đóng ở một vùng rừng thưa, không dân, cách Tiên Phước khoảng trên chục cây số. Có những buổi, khi đang nghe họp báo cáo tình hình chiến sự thì địch dội pháo tới, mảnh văng sàn sạt quanh hầm. Tận mắt chứng kiến những biến động lịch sử, cảnh phá khu dồn về vùng giải phóng và làm chủ vùng mới giải phóng, ông Long sốt ruột rời Ban Chỉ huy tiền phương để vào Tiên Phước.

“Hồi nửa đêm về sáng nghe pháo ta nổ cấp tập hướng Dương Con. Bọn Biệt động lên phản kích đóng ở chân núi này. Thị trấn dưới quyền kiểm soát của chúng ta có gương mặt sáng lạn, hồ hởi. Tôi viết một bài ghi nhanh gửi về khu, sau đó nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã thấy phát sang sảng.

Tôi làm việc cật lực: khai thác tài liệu, viết tin, rồi ngồi quay ragono (máy phát 15 Wat) để điện báo viên chuyển tin về khu... Khỏe mạnh và hồ hởi, ít ăn, quên ngủ, lòng tràn ngập niềm vui…”, ông Long hồi tưởng lại những giờ phút tác nghiệp “nghẹt thở” giữa “mưa bom, bão đạn” nơi chiến trường Tiên Phước, Quảng Nam.

Ngày toàn thắng

Tin cuộc kháng chiến vệ quốc đã toàn thắng đến với nhà báo Phạm Việt Long không bất ngờ mà từng bước, theo các chiến thắng của quân dân Việt Nam suốt từ Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Nguyên rồi Nam Bộ, Sài Gòn.

Niềm vui chiến thắng với anh phóng viên trẻ “không vỡ òa, mãnh liệt, mà ngấm dần, sâu lắng, đồng thời với niềm vui là nỗi nhớ thương các đồng chí của mình đã hy sinh, không được chứng kiến ngày đại thắng của dân tộc”.

Thời điểm ông nghe tin giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam đúng vào ngày 30/4/1975. Không hiểu ngẫu nhiên hay có hẹn trước mà chính ngày ông cất bước lên đường ra chiến trường, sau bảy năm, lại chính là ngày toàn thắng của dân tộc.

“Sáng hôm ấy, khu phố và thành phố tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Buổi lễ diễn ra tại sân vận động Chi Lăng, có diễu binh và diễu hành quần chúng. Đứng trên khán đài nhìn xuống những đội quân hùng dũng diễu qua, chợt nhớ da diết những người đồng chí đã hy sinh, trong đó hình ảnh Vượng và Nghị hiện lên rõ mồn một trong tôi. Rồi nước mắt cứ trào ra, nhòe hết mọi hình ảnh hiện tại, đưa tôi về quá khứ...”, ông hồi tưởng.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng không khi nào ông nguôi quên những ngày ở chiến trường, và tấm lòng chân tình mà nhân dân Trung Trung Bộ dành cho ông và đồng đội. Với ông, đó là nỗi nhớ, nhưng đó cũng là động lực để ông cố gắng sống tốt, cố gắng làm việc để cống hiến sức lực cho cuộc đời tươi đẹp phía trước.

Phạm Việt Long là nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo và là một nhà nghiên cứu văn hóa. Ông là phóng viên chiến trường trong giai đoạn 1968-1975.

Qua cuộc chiến này, ông viết bộ Bê trọc (Ba tập - đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao năm 2000 cho tiểu thuyết tư liệu) - tác phẩm được Đài Truyền hình Việt Nam dựng phim 4 tập với tên Nhật ký chiến trường.

Ngoài những tác phẩm văn học khác như Âm bản, Du khảo Hoa Kỳ, Giã từ, Ngờ vực, Phạm Việt Long còn được biết đến là một nhạc sĩ của những bài hát quen thuộc như Miền quê, Giàn thiên lý, Sao anh lại nhìn em, Giấc mơ, Nhớ nắng, Chiều Quy Hòa, Biển vắng…

Vân Chi

(ghi)

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phong-vien-thong-tan-va-ky-uc-thoi-hoa-lua-114600.html