Phụ huynh, nhà trường nói gì về chuyện học sinh đi xe phân khối lớn?

Nhà trường, phụ huynh đề xuất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh dưới 18 tuổi đi xe phân khối trên 50cm3.

Nhiều hiệu trưởng cho biết việc giáo dục học sinh (HS) chấp hành pháp luật về an toàn giao thông là một trong những hoạt động được trường chú trọng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý cho rằng cần nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như xã hội cùng vào cuộc mới có thể hạn chế tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn so với lứa tuổi học sinh. Xe phân khối lớn mà chúng tôi đề cập ở đây nhằm chỉ loại xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên mà học sinh chưa đủ tuổi để cầm lái. Theo quy định hiện hành, người đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi được lái xe gắn máy có dung tích xi – lanh dưới 50cm3.

Dù tuyên truyền nhưng vẫn bị phớt lờ

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp cho biết vào tháng 10-2023, trường đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về An toàn giao thông.

Tiếp đến tháng 11-2023, trường phối hợp với tòa án nhân dân quận Gò Vấp và UBND phường 15 tổ chức phiên tòa giả định Vụ án hình sự vi phạm quy định về tham gia lưu thông đường bộ.

Mới đây nhất, tháng 3-2024, ban giám hiệu đã thông báo cho tổ giám thị nhắc nhở HS toàn trường bãi giữ xe chỉ nhận giữ các phương tiện (xe đạp điện, xe đạp, xe máy, xe máy điện, xe tay ga) không quá 50 phân khối.

Đến ngày 26-3, trường ký bản cam kết về việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho HS nhà trường.

Bà Tuyến còn cho biết đầu tháng 4, trường tổ chức cho HS, cha mẹ HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đi xe phải đội mũ bảo hiểm.

 Tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM đang kiểm tra một trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: Trần Minh.

Tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM đang kiểm tra một trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: Trần Minh.

 Học sinh đi xe không đúng quy định bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt. Ảnh: NQ

Học sinh đi xe không đúng quy định bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt. Ảnh: NQ

Bên cạnh đó, HS đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với trường để phối hợp với công an kiểm tra. Ngoài ra, trường còn lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường để ghi nhận các hình thức vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử phạt và bình xét thi đua đối với từng lớp.

“Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm vẫn xuất hiện. Có hôm trên đường về, thấy phụ huynh chở học sinh trường mình đi phía trước không đội mũ bảo hiểm, tôi phải chạy lên nhắc nhở. Ngoài nhà trường, phụ huynh cũng phải cùng đồng hành mới có thể hạn chế được tình trạng trên” - bà Tuyến nói.

Trước thực trạng học sinh đi xe phân khối lớn, không đúng quy định, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh cho biết trường đã tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên cũng như chủ bãi xe ký cam kết về việc đi xe đúng quy định cũng như không giữ xe trên 50 phân khối.

Trong thời gian tới, trường sẽ tăng cường kiểm soát tình trạng HS đến trường không đội nón bảo hiểm cũng như nhắc nhở các em đi xe đúng quy định.

Theo ông Hân, tại trường, số lượng học sinh tự đi xe đến trường khoảng 500 em, trong đó đi xe không đúng theo lứa tuổi cũng không ít. Đa phần nhà các em ở quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức.

 Trường THPT Thanh Đa mời công an về tuyên truyền, giáo dục học sinh tuân thủ luật lệ an toàn giao thông. Ảnh: NTCC

Trường THPT Thanh Đa mời công an về tuyên truyền, giáo dục học sinh tuân thủ luật lệ an toàn giao thông. Ảnh: NTCC

“Thời điểm này, trường phối hợp với công an tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, không thể ngay lập tức không nhận giữ xe vì như vậy sẽ gây xáo trộn cũng như gây kẹt xe nghiêm trọng tại con đường trước trường.

Phụ huynh vừa ký cam kết với trường không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, đúng quy định và nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm. Vậy mà hôm sau họ lại chở con đến trường không tuân thủ luật lệ giao thông” - ông Hân nói và cho biết quan trọng nhất vẫn là nhận thức của phụ huynh và sự ủng hộ từ họ trong việc cấm học sinh đi xe phân khối lớn.

Cũng theo ông Hân, nhờ đầu năm học tuyên truyền tốt nên hiện tại đa phần HS khối 10 đều đi xe điện.

Ông Võ Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) cho hay dù nhà trường đã tuyên truyền, giáo dục nhưng bên cạnh đó ý thức về tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông của phụ huynh chưa cao. Nhiều gia đình vẫn để con đi xe không đúng quy định.

Trường đã dán thông báo trước cổng trường về việc không nhận giữ xe không đúng quy định để HS và phụ huynh nắm cũng như yêu cầu bãi xe tuyệt đối không nhận giữ xe của HS trên 50 phân khối.

“Thực tế, khi trường không nhận giữ xe, các em sẽ phải băng qua đường gửi xe ở bãi xe đối diện. Vấn đề này không thuộc phạm vi quản lý của trường rất cần sự phối hợp từ địa phương” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nếu chỉ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ở nhà trường mà về phía gia đình, xã hội, các đơn vị khác không chung tay sẽ khó chuyển biến tình trạng trên.

 Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: ĐOAN VŨ

Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: ĐOAN VŨ

“Phải xử phạt hành vi này thật nghiêm như phạt nồng độ cồn may ra mới có thể hạn chế được. Bên cạnh đó, quy định đã có nhưng cần xử phạt cả phụ huynh giao xe cho con đi khi chưa đủ tuổi” - ông Sơn nhấn mạnh.

Tại hội thảo tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục THPT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trong công tác phối hợp với Bộ GD&ĐT với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có việc tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép tài xế để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.

Các giải pháp thiết thực

Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức vừa tổ chức chuyên đề an toàn giao thông lần 2.

 Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức tổ chức chuyên đề về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NGUYỄN NGÃI

Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức tổ chức chuyên đề về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NGUYỄN NGÃI

Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi năm trường tổ chức hai lần chuyên đề. Hiện trường không còn giữ xe học sinh trên 50 phân khối. Tất cả xe ở trường là xe điện hoặc xe dưới 50 phân khối. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn do các em gửi các hộ xung quanh trường.

“Vấn đề này, trường có liên hệ và nhờ công an địa phương can thiệp nhưng rất khó do có nhiều lý do. Tại trường, một nửa học sinh đi xe đưa rước do các em đa phần ở xa như Gò Vấp, quận 12; còn lại các em tự đi hoặc do bố mẹ đưa đón.

Trạm xe buýt đi vào trường cách 700m, ít tuyến nên các em ít có sự lựa chọn. Trong khi đó, xe đưa rước mỗi tháng mất 500.000 - 600.000 đồng. Do đó, để hạn chế tình trạng trên, cần phải tăng cường thêm nhiều xe buýt với các trạm phù hợp, gần trường để tạo thuận tiện cho các em” - bà Hảo nói.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Ngọc Sơn, Hiệu Trường THPT Gò Vấp đề xuất cần mở rộng và phát triển hơn nữa phương tiện công cộng sao thuận tiện để phụ huynh chọn lựa cho con em đến trường. Từ đó, hạn chế mật độ di chuyển trên đường, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.

Đồng thời, ông Sơn cho rằng nhận thức của người dân chưa cao trong khi đó với tình hình dân số và mật độ lưu thông tại TP hiện nay chưa thể thực hiện áp dụng 16 tuổi cấp bằng. Cho nên việc cần làm hiện nay phải nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của học sinh và phụ huynh.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa đề xuất HS đủ 16 tuổi có thể học và thi lấy bằng lái. Ông Hân cho biết nhiều nước trên thế giới trẻ em 16 tuổi đã đi xe hơi đến trường.

“Khi các em học, có bằng lái, các em sẽ tự chịu trách nhiệm” - ông Hân nói.

 Tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM xử phạt một học sinh lớp 9, trường THCS VTT, quận 1 điều khiển xe phân khối lớn, không có giấy đăng ký xe. Ảnh: TRẦN MINH

Tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM xử phạt một học sinh lớp 9, trường THCS VTT, quận 1 điều khiển xe phân khối lớn, không có giấy đăng ký xe. Ảnh: TRẦN MINH

Phụ huynh đồng hành cùng con

Có con đang học tại một Trường THPT ở quận 1, chị Tuyết Nhung nhìn nhận nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông với học sinh cấp 3 là có. Vì cấp học này, giờ học linh động, các con lại có nhu cầu di chuyển đến điểm học nhiều hơn, học thêm bổ sung kiến thức tại các lớp ngoài nhà trường.

"Tuy nhiên, các em học sinh ở tuổi này tâm sinh lý chưa chín chắn, vẫn còn bốc đồng. Do đó, phụ huynh nên trang bị cho các các loại xe phù hợp theo lứa tuổi, đúng quy định, tránh để học sinh đi xe phân khối lớn. Như tôi đang tập cho con đi xe máy bằng việc mua xe điện, giới hạn được vận tốc, có thể biết được lịch trình di chuyển" - chị Nhung nói thêm.

Tương tự, một phụ huynh có con đang học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết đã mua cho con xe đạp điện để đến trường.

"Nhà xa, công việc của tôi không thuận tiện đưa đón nên tôi đã mua xe đạp điện để con chủ động. Thời gian đầu, tôi đồng hành cùng con trên quãng đường đến trường để hướng dẫn giúp con quen với lộ trình. Giờ bé đã quen và tự túc mọi chuyện" - vị này nói thêm.

Nhận thấy việc con đi xe máy chưa đủ tuổi khá nguy hiểm nên chị Nguyễn Thủy chọn phương án đưa con đến trường. Lúc về, bé sẽ sử dụng xe ôm công nghệ.

"Nhà cách trường 12 km nên tôi chưa yên tâm để bé đi xe đạp điện. Thời gian tới, tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu phương tiện công cộng để giúp con đến trường một cách tiện lợi nhất" - chị Thủy nói.

Chị Phan Nga, TP Thủ Đức nhấn mạnh để hạn chế tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn thì vai trò của gia đình rất quan trọng.

"Cha mẹ phải kiểm soát chặt bởi nếu có chuyện gì xảy ra họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra từ việc người lớn giao xe trên 50cm3 cho các em học sinh đi. Nếu có thời gian, mọi người có thể đưa đón con. Tuy nhiên, việc mua xe đạp điện cho con cũng là một lựa chọn, nên các em đội mũ bảo hiểm khi di chuyển và tuân thủ luật giao thông" - chị Nga nói thêm.

Rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe HS không đúng quy định

Tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng PC08) Công an TP.HCM đang kiểm tra một trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: Trần Minh.

Các cơ sở giáo dục phải rà soát công tác tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ HS với nhà trường về nội dung bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện, không giao xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện cho HS chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; tổ chức học sinh ký cam kết với trường thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, không đánh võng, chở quá số người quy định.

Trường không tổ chức giữ xe mô tô, xe gắn máy của học sinh khi không có giấy phép tài xế hoặc chưa đủ tuổi; đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe HS không đúng quy định khu vực xung quanh trường.

(Sở GD&ĐT TP.HCM)

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phu-huynh-nha-truong-noi-gi-ve-chuyen-hoc-sinh-di-xe-phan-khoi-lon-post791109.html