Phú Lương nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được huyện Phú Lương đặc biệt quan tâm.

Nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giúp gia đình chị Phan Thị Thuyến (ở xóm Cây Thị, xã Ôn Lương, Phú Lương) xây được căn nhà mới.

Nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giúp gia đình chị Phan Thị Thuyến (ở xóm Cây Thị, xã Ôn Lương, Phú Lương) xây được căn nhà mới.

Huyện miền núi Phú Lương có số dân trên 100 nghìn người, gồm 8 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 50%. Từ năm 2022 đến nay, Chương trình được triển khai trên địa bàn huyện thông qua 9 dự án thành phần.

Gia đình chị Phan Thị Thuyến, dân tộc Tày, ở xóm Cây Thị, xã Ôn Lương (Phú Lương), chuyển vào sống trong ngôi nhà mới khang trang rộng gần 80m² được gần 1 năm. Trong nhà có nhiều tiện nghi thiết yếu (như tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh…). Chị Thuyến cho biết: 2 vợ chồng tôi không có công việc ổn định, chủ yếu là làm thuê khoán, ai có công việc gì thuê là chúng tôi đều nhận. Vợ chồng tích cóp nhiều năm vẫn không đủ nên phải sống trong căn nhà cũ dột nát. Đến năm 2023, chúng tôi được hỗ trợ 46 triệu đồng từ Chương trình, cùng với vay vốn hỗ trợ làm nhà ở 40 triệu đồng, vay vốn thoát nghèo 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng căn nhà mới. Có nhà ở vững chãi, gia đình tôi yên tâm phấn đấu làm ăn để nâng cao thu nhập, trả các khoản vay.

Chỉ riêng năm 2023, triển khai Tiểu dự án 2 về hỗ trợ nhà ở (thuộc Dự án 1 của Chương trình), huyện Phú Lương đã phân bổ nguồn vốn trên 2,1 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ gần 50 hộ khó khăn về nhà ở, với mức là 46 triệu đồng/căn. Còn về cải thiện việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, huyện đã đầu tư xây dựng mới 5 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 7 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ téc chứa nước cho trên 500 hộ dân trên địa bàn.

Gia đình bà Trần Thị Thịnh, ở xóm Đồng Bòng, là 1 trong hơn 30 hộ trên địa bàn xã Yên Lạc được hỗ trợ téc chứa nước. Bà Thịnh cho biết: Gia đình tôi trước đây dùng giếng khơi, tích trữ trong xô, thùng nhựa để sử dụng dần. Cách làm như vậy không đảm bảo do côn trùng có thể bay vào đẻ trứng, đặc biệt là vào mùa mưa. Đến năm 2023, chúng tôi được hỗ trợ téc chứa nước và chuyển sang sử dụng nước sinh hoạt từ công trình nước tập trung đảm bảo hợp vệ sinh.

Cùng với Dự án 1, huyện Phú Lương cũng triển khai 9/10 dự án thành phần thuộc Chương trình với tổng kinh phí phân bổ năm 2023 là gần 46,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022 là trên 6 tỷ đồng thực hiện các dự án: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Ông Vũ Thăng Long, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Lương, khẳng định: Nguồn lực của Chương trình đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người đồng bào DTTS trên địa bàn. Chương trình được triển khai ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ bám sát nhu cầu thực tế của đồng bào DTTS. Trong năm 2024, huyện tiếp tục phân bổ nguồn kinh phí trên 34 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đối với vùng đồng bào DTTS; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202406/phu-luong-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-4e4066a/