Phú Yên trong tim

Trong tâm thức của người Việt, hai tiếng “quê hương” quá đỗi thiêng liêng. Vì vậy, cho dù đi xa đến chân trời góc bể, khi nơi quê nhà rập rờn cánh én báo tin xuân, đào mai khoe sắc hân hoan đón tết, người Việt khao khát trở về sum họp cùng đại gia đình trong ngày tết cổ truyền.

Quê nhà - quê hương luôn có một vị trí đặc biệt, trong trái tim…

NHÀ GIÁO - NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN NGHỆ DÂN GIAN NGUYỄN ĐÌNH CHÚC: Tết vui nhất là khi con cháu về với quê hương, với ông bà

Tết cổ truyền chính là dịp đoàn viên, sum họp. Người Việt mình, dù đi đâu cũng nhớ về quê hương, nhớ về Tổ quốc. Những ngày qua, xem truyền hình, tôi thấy bà con từ khắp các châu lục về với Tổ quốc. Họ vui mừng biết bao nhiêu! Còn với tôi, một người đã 85 tuổi, con cháu về với quê hương, với ông bà là niềm vui sướng vô cùng lớn. Khi dịch bệnh còn phức tạp, con cháu tính không về Phú Yên đón tết. Sáng nay, con báo là cả gia đình sẽ về. Tôi vui mừng đến nỗi phát khóc. Vậy là tết năm nay, ba gia đình của ba đứa con tôi đều có mặt.

Với một người cao tuổi như tôi, tết vui nhất là khi con cháu về với quê hương, với ông bà. Đấy là niềm vui của sự đoàn tụ mà người cao tuổi luôn luôn mong ước.

Tết đến xuân về, tôi mong bình an - không chỉ trên quê hương Phú Yên, trên đất nước Việt Nam mà mong bình an trên toàn thế giới để phát triển kinh tế - xã hội và có sự giao lưu tốt đẹp.

ÔNG NGUYÊN ĐẠT (VIỆT KIỀU MỸ): Quê hương luôn luôn trong trái tim

Huế là nơi chôn nhau cắt rốn, còn Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi. Hơn nửa đời người, tôi sống ở Phú Yên. Quê hương luôn luôn trong trái tim. Phú Yên là quê hương thứ hai nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm gắn với Đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Tôi sang một ngả rẽ khác chính là nhờ đêm thơ Nguyên tiêu. Tôi có nhiều bạn bè tốt và bắt đầu làm thơ, viết văn, lấy việc viết lách làm niềm vui trong cuộc sống của mình.

Xa quê hương, ra nước ngoài sinh sống cùng con cháu, tôi rất nhớ bà con thân tộc, nhớ bạn văn nghệ ở Phú Yên. Có khi bị trầm cảm vì những mong nhớ về quê hương.

Khi ra đi ta mang cả hồn quê

Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ

Để câu thơ trầm buồn như hơi thở

Mãi dọc dài theo năm tháng chia phôi…

Trước khi có dịch COVID, hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam, có khi hai năm về một lần, vào dịp tết. Lần nào về, tôi cũng tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu. Đứng trên sân khấu nơi đỉnh núi Nhạn, tôi có cảm giác vô cùng thân thuộc. Và tôi nghĩ rằng khán giả yêu thơ qua bao năm cũng cảm nhận sự thân thuộc ở không gian này.

Nếu có dịp trở về quê nhà, tôi muốn làm rất nhiều điều. Nếu còn sức khỏe, cho dù tiếng sáo của mình đã yếu hơn tiếng sáo ngày trước thì tôi vẫn muốn được thổi sáo trong Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn, giữa những người bạn đã gắn bó với mình bao năm và cả những người bạn mới.

Ba năm rồi, do dịch nên tôi không về được. Tôi chỉ ước mong làm sao hết dịch để có một lần trở về quê hương, gặp lại bà con thân tộc, gặp lại bạn bè…

TH.S ĐẶNG THỊ KIỀU GIANG, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH: Hai tiếng “Phú Yên” quá thiêng liêng

Người Việt chúng ta coi tết cổ truyền là tết “quê hương bản quán”, “gia đình đoàn tụ” và mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”. Chính vì vậy mà người Việt có tục quét dọn, sửa sang, trang hoàng nhà cửa mỗi dịp tết đến xuân về. Tết đến, dù là ai, dù đang ở đâu, làm gì, cũng đều gác lại quay về sum họp với gia đình, người thân. Đây là một truyền thống văn hóa rất tốt đẹp của dân tộc ta.

Sống ở TP Hồ Chí Minh gần hai thập niên, dù khá bận rộn với những dự án, công việc và phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình nhưng chưa năm nào tôi bỏ lỡ dịp vui xuân đón tết ở quê nhà. Bởi vì tôi nhận thấy niềm vui, sự phấn khởi trong những ngày đầu năm mới chỉ trọn vẹn khi tất cả người thân yêu trong gia đình được sum họp, quây quần bên nhau. Riêng năm nay sẽ là năm đầu tiên tôi không về quê ăn tết. Tôi buồn lắm, nhưng nghĩ tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hai con tôi sức khỏe đang không tốt nên để đảm bảo an toàn cho cả nhà, góp phần đem lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống dịch, tôi quyết định hủy kế hoạch đưa các con về thăm quê, thăm ông bà trong dịp tết này.

Lúc tôi mới vào Sài Gòn, mỗi lần ra đường nhìn thấy chiếc xe máy gắn biển số 78 là tự nhiên thấy vui, ấm áp khôn tả, cho dù không hề quen biết chủ nhân đang lái chiếc xe đó. Và đến bây giờ, chỉ cần nghe đâu đó có một người Phú Yên gặp cảnh bất hạnh là tôi cảm thấy nhói ở tim, hay chỉ cần nghe thông tin về một người Phú Yên được vinh danh vì những thành tích nào đó là tôi cảm thấy vui sướng, tự hào.

Tôi rất mong có cơ hội được đóng góp một chút gì đó cho quê hương. Đó chính là lý do tôi luôn dành sự ưu tiên, gác lại mọi việc để về tham gia khi các đơn vị ở Phú Yên có lời mời về giảng dạy hay làm các chương trình sự kiện.

Với tôi, hai tiếng “Phú Yên” quá thiêng liêng.

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270358/phu-yen-trong-tim.html