Phúc thẩm vụ 'Hủy hoại rừng' ở Bình Thuận: Nhiều 'lỗ hổng' của án sơ thẩm sẽ gây oan sai?!

Sau nhiều lần tạm hoãn, phiên tòa phúc thẩm được TAND tỉnh Bình Thuận mở trong các ngày 23, 24 và 27/5/2024, với HĐXX gồm 3 Thẩm phán Nguyễn Văn Thành (chủ tọa), Bích Văn Nhiên và Phạm Phong Lan. Trên tinh thần cải cách tư pháp, việc tranh tụng diễn ra cởi mở, HĐXX tạo điều kiện cho các bên trình bày không giới hạn thời gian. Qua đó, nổi lên 3 vấn đề mấu chốt, không thể khắc phục. Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghị án kéo dài và tuyên án ngày 03/6/2024…

“LỖ HỔNG” LỚN NHẤT CỦA BẢN ÁN SƠ THẨM

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Nguyễn Hoàng Cẩn - nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) và Phó TGĐ Công ty MTV TNHH Lâm nghiệp Bình Thuận (Công ty LNBT) giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Hai bị cáo cho rằng Bản án sơ thẩm số 151/2023/HS-ST (Bản án 151) ngày 29/9/2023 của TAND H.Hàm Thuận Nam (do Thẩm phán Đỗ Quốc Hội làm chủ tọa), tuyên phạt hai ông mỗi người 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng” là không có căn cứ, gây oan sai.

Quang cảnh phiên tòa

Quang cảnh phiên tòa

Chứng cứ quan trọng nhất để tòa sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội chính là Kết luận giám định (KLGĐ) số 01 ngày 27/02/2020 của ông Nguyễn Tử Kim, được xác định là người “giám định tư pháp theo vụ việc” (GĐTPTVV). Thế nhưng, “nhân vật chính” này lại tiếp tục vắng mặt. Tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài việc chứng minh KLGĐ số 1 “5 không” trái quy định pháp luật của ông Kim, các Luật sư (LS) còn đề nghị làm rõ tư cách pháp lý của vị Tiến sĩ (TS) “khoa học rừng và sản phẩm rừng” này. Lẽ ra phải trưng cầu “giám định lại”, cũng như làm rõ tư cách pháp lý của ông Kim thì HĐXX bỏ qua, dẫn đến Bản án số 151 lộ rõ dấu hiệu vi phạm cả tố tụng lẫn nội dung.

Nghiên cứu hồ sơ, nhận ra “lỗ hổng” của Bản án 151 nên Thẩm phán Nguyễn Văn Thành ký văn bản (VB) số 24/2024/THS-BT ngày 08/3/2024, gửi Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Thuận yêu cầu “bổ sung chứng cứ mà trong hồ sơ vụ án chưa có”, cụ thể là tài liệu thể hiện “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giới thiệu ông Nguyễn Tử Kim là người GĐTPTVV để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện trưng cầu giám định”.

Cùng ngày 08/3/2024, Kiểm sát viên (KSV) VKSND tỉnh Bình Thuận Trần Văn Toàn (giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm) ký VB số 232/VKS-P7 gửi Bộ NN&PTNT, khẳng định: “Hiện nay, hồ sơ chưa có tài liệu thể hiện việc Bộ NN&PTNT giới thiệu ông Nguyễn Tử Kim cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện trưng cầu giám định”. Từ đó, KSV Toàn đặt thẳng vấn đề: “Bộ NN&PTNT có giới thiệu ông Kim cho Cơ quan điều tra không?”.

Lúc 8 giờ 20 ngày 10/4/2024 (ngày phiên tòa phúc thẩm được mở, sau đó bị hoãn), KSV Toàn tiến hành bàn giao “tài liệu bổ sung” vừa thu thập được, cho bên nhận là Thẩm phán Thành. Trong đó, có VB số 7222/BNN-PC (VB số 7222) của Bộ NN&PTNT do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Thị Tuyết ký ngày 30/9/2019, nội dung: “Bộ NN&PTNT cử ông Nguyễn Tử Kim công tác tại Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng thực hiện việc giám định thay ông Mai Văn Võ”.

Văn bản số 7222/BNN-PC Bộ NN&PTNT được ký lúc 16 giờ 30 phút ngày 30/9/2019

Văn bản số 7222/BNN-PC Bộ NN&PTNT được ký lúc 16 giờ 30 phút ngày 30/9/2019

Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, các LS đưa ra một loạt vấn đề, trong đó xoáy vào “tài liệu bổ sung”. Dễ nhận thấy, VB số 7222 là “lỗ hổng” lớn nhất của bản án sơ thẩm. LS Nguyễn Thị Lệ Hằng (Đoàn LS TPHCM) nêu quan điểm: VB số 7222 không được thu thập theo đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự, có dấu hiệu ngụy tạo, nhằm “hợp thức hóa” tư cách GĐTPTVV của ông Kim. VB số 7222 hình thức như chữ ký số, hoàn toàn có thể chỉnh sửa thời gian (ký lùi ngày). Trường hợp đây là văn bản gốc thì cần phải trưng cầu giám định và kiểm tra trình tự thủ tục ký, phát hành.

Theo quy định, VB số 7222 phải được phát hành bản giấy, có chữ ký tươi, đóng dấu mộc của đơn vị và gửi Cơ quan điều tra qua bưu điện trước thời điểm trưng cầu giám định. Hồ sơ thể hiện: Cơ quan điều tra ra Quyết định (QĐ) trưng cầu giám định số 04 ngày 30/9/2019, còn VB số 7222 được Phó Vụ trưởng Tuyết ký lúc 16 giờ 30 phút 30 giây ngày 30/9/2019. Vậy, văn bản này được phát hành thời gian nào, nhất thiết phải được làm rõ.

KẾT ÁN BẰNG … “ƯỚC TÍNH”

Theo LS Hằng, với VB số 7222 vừa mới được đưa vào hồ sơ, có căn cứ xác định: Từ lúc ông Kim tiến hành giám định (ngày 06/10/2019) cho đến khi xét xử sơ thẩm (ngày 26 đến 29/9/2023) và kéo dài đến phiên tòa phúc thẩm, không có văn bản nào của Bộ NN&PTNT giới thiệu ông Nguyễn Tử Kim là người GĐTPTVV nên ông Kim không có tư cách pháp lý để tiến hành giám định trong vụ án này. Bản thân ông Kim không hề biết có VB số 7222 nên không sử dụng “bảo bối” này để làm căn cứ thực hiện giám định hay giải trình tư cách pháp lý của mình suốt 5 năm qua cũng như quá trình xét xử sơ thẩm.

Ông Kim không có tư cách pháp lý tại thời điểm giám định dẫn đến KLGĐ số 01 không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, KLGĐ này không được tiến hành đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp. Ông Kim đã sử dụng phương pháp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nghiêm trọng hơn, ông Kim tự ý đưa ra công thức tính thiệt hại bằng “ước tính”, xác định “củi cũng là gỗ” hoàn toàn thiếu căn cứ.

Văn bản số 691/UBBT-NLN của UBND tỉnh Bình Thuận

Văn bản số 691/UBBT-NLN của UBND tỉnh Bình Thuận

Tại phiên tòa, LS Hằng trình bày toàn bộ VB của nguyên Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN & PTNT) Nguyễn Hồng Quân. Vị TS chuyên ngành “điều tra quy hoạch rừng” chứng minh kết quả giám định của ông Kim không đủ cơ sở pháp lý và khoa học, vì chưa có căn cứ để xác định trạng thái rừng là “RII” và trữ lượng rừng. Các thành viên dự cuộc họp tham vấn do ông Kim mời cũng có ý kiến như ông.

Mặt khác, TS Quân xác định: Không thể dựa vào trữ lượng gỗ (như cách tính của ông Kim) để đánh giá thiệt hại mà phải xác định “khối lượng gỗ thương phẩm” theo công thức: “Gỗ thương phẩm = trữ lượng gỗ x 25% x 65%”. Về giá gỗ: Phụ thuộc vào từng loài cây, chất lượng gỗ, kích thước gỗ. Về củi: Không phải lấy trữ lượng gỗ trừ khối lượng gỗ thương phẩm, còn lại tất cả là củi, mà phải trừ đi gốc cây, ngọn quá nhỏ và nhiều cây không phù hợp để làm củi…

Tại phiên tòa, hàng chục câu hỏi được các LS đặt ra cho hai ông Nguyễn Văn Minh và ông Lê Văn Sơn (là hai giám định viên từng thực hiện giám định trong vụ án). Phần trả lời của ông Sơn càng làm rõ hơn hơn dấu hiệu trái pháp luật của KLGĐ số 01 nên không thể sử dụng làm chứng cứ quy kết tội các bị cáo.

DẤU HIỆU SÓT LỌT TỘI PHẠM

LS Vũ Tuấn Hải (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nêu quan điểm: Công ty LNBT là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN), được UBND tỉnh Bình Thuận giao 3.000ha đất để trồng rừng bằng VB số 691/UBBT-NLN ngày 19/3/2003. Toàn bộ diện tích này đã được xác định là đất trống và trảng cỏ, lùm bụi, trạng thái “RI” theo QĐ số 03/2001/QĐ-TTG ngày 05/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Công ty LNBT đã khảo sát và khoanh được 118ha để tác động, san ủi, trồng rừng. QĐ số 03 là văn bản pháp lý cao nhất trong việc định danh rừng. Căn cứ QĐ số 03 và VB số 691, ông Nguyễn Tiến Dũng ký hợp đồng số 59/HĐKT (HĐ số 59) với Công ty Phước Sang, hợp tác đầu tư trồng rừng là đúng pháp luật.

Nếu có tội phạm xảy ra thì ông Dũng không phạm tội “Hủy hoại rừng”. Trước khi ký HÐ số 59, các bộ phận tham mưu đã tổ chức khảo sát, đề xuất trình lãnh đạo. TGĐ Dũng ký kết HĐ số 59 thông qua việc “ký nháy” của Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (KH-KT). Theo LS Hải, với vai trò TGĐ, ông Dũng chỉ đạo nghiêm khi có sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện HĐ số 59. Cụ thể, ngay khi nhận được VB số 16 của Xí nghiệp Hàm Thuận Nam (thuộc Công ty LNBT) báo cáo về việc “ủi lấn ranh”, ông Dũng đã bút phê “trước mắt dừng ngay việc ủi lấn ranh, tuyệt đối không được sơ sót, vi phạm” trên VB; đồng thời chuyển cho Phòng KH-KT và Xí nghiệp Hàm Thuận Nam thực hiện; Phó TGĐ Cẩn kiểm tra xem báo cáo của Hàm Thuận Nam như thế nào. Đáng tiếc, chỉ đạo của ông Dũng không được cấp dưới thực thi nghiêm túc. Vấn đề quan trọng này không được cấp tòa sơ thẩm làm rõ.

Văn bản số 892/PTLN ngày 24/3/2000 của Bộ NN&PTNT

Văn bản số 892/PTLN ngày 24/3/2000 của Bộ NN&PTNT

Trao đổi PV sáng 30/5/2024, ông Nguyễn Hoàng Cẩn lên tiếng: “Đã ngoài 60 tuổi, hơn 40 năm làm trong ngành lâm nghiệp, lần đầu tiên tôi mới thấy một KLGĐ “ước tính” và “5 không”! Tôi mong HĐXX thận trọng xem xét toàn diện vụ án. Trong vụ án “phá rừng Tánh Linh” xảy ra năm 1997 cũng không còn hiện trường, đơn vị giám định phải xây dựng phương pháp và được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại QĐ số 19 mới thực hiện. QĐ số 19 chỉ áp dụng cho vụ án “phá rừng Tánh Linh” nhưng ông Kim lại áp dụng vụ án này hoàn toàn không đúng. Tại VB số 892/PTLN ngày 24/3/2000, Bộ NN&PTNT khẳng định: “Đối với vụ việc phá rừng xảy ra quá lâu, nếu không thu giữ được tang vật, hiện nay chưa có phương pháp nào giám định chính xác thiệt hại”. Tôi thỉnh cầu HĐXX đề nghị Bộ NN&PTNT xác định bằng VB có phương pháp nào giám định trong trường hợp không còn hiện trường, đồng thời có ý kiến về KLGĐ số 01 của ông Kim. Tôi tin vào sự công tâm, khách quan của HĐXX”.

Cựu TGĐ Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ:“Suốt 39 năm được rèn luyện và trưởng thành, tôi được dấn thân phục vụ, nỗ lực cống hiến, gầy dựng cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh để Công ty LNBT ngày càng phát triển đến hôm nay. Với động cơ trong sáng không gì khác ngoài lợi ích của Công ty LNBT, tôi cùng với công ty đã trồng hàng chục ngàn hécta rừng, trong đó gần 10.000 hécta được Tổ chức quốc tế cấp chứng nhận “rừng sạch” (FSC), nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng, nâng vị thế và sức cạnh tranh của DNNN lên tầm cao mới trong và ngoài nước. Cả đời gắn bó với rừng, nay tôi phải hầu tòa, bị quy kết tội “Hủy hoại rừng” thật đau đớn và oan ức!

Từ sự công tâm tại phiên tòa phúc thẩm, tôi tin tưởng HĐXX minh xét, đánh giá toàn diện vụ án, chấp nhận kháng cáo kêu oan của tôi, hủy bản án sơ thẩm để điều tra, giám định lại, thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tính ưu việt của nền pháp chế XHCN”.

Văn Cương - Hải Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/vu-huy-hoai-rung-o-binh-thuan-nhieu-lo-hong-cua-an-so-tham-se-gay-oan-sai_162937.html