Phương án '4 tại chỗ' phải sát với tình hình cụ thể từng địa phương

Sáng 4/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành phố về tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Năm 2023 tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn Bình Thuận diễn biến ít phức tạp hơn với những năm trước. Tuy nhiên các hiện tượng nguy hiểm như dông sét, mưa lớn cục bộ, gió mạnh trên biển đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh cũng như phát triển kinh tế của địa phương.

Toàn cảnh hội nghị ở điểm cầu UBND tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị ở điểm cầu UBND tỉnh.

Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh trong năm 2023 khoảng 248,88 tỷ đồng. Sau các đợt thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại, nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Song song, khẩn trương sửa chữa, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, phục hồi tái thiết sau thiên tai.

Sự cố cát tràn xảy ra tại Tp. Phan Thiết.

Sự cố cát tràn xảy ra tại Tp. Phan Thiết.

6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra các loại hình thiên tai như nắng nóng, khô hạn, sóng lớn, triều cường và sạt lở bờ biển. Trong tháng 5/2024 xảy ra 2 đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực huyện Tánh Linh, Đức Linh và TP. Phan Thiết. Thiên tai từ đầu năm đến nay đã khiến 1 người chết, do sóng lớn làm chìm thuyền, thiệt hại 126 căn nhà ở và trên 2.700 ha sản xuất nông nghiệp… Ước giá trị thiệt hại gần 5,9 tỷ đồng.

Nêu ý kiến tại hội nghị, một số địa phương, sở ngành cơ bản thống nhất nội dung dự thảo báo cáo tổng kết về tình hình và nhiệm vụ PCTT năm 2024. Đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, phương án từ nay đến cuối năm. Trong đó, UBND huyện Tánh Linh kiến nghị, hiện nay hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều nội dung vướng mắc tồn tại nhiều năm nay chưa được xử lý gây búc xúc cho cử tri địa phương và nhất là thiệt hại diện tích sản xuất của người dân, khi bước vào cao điểm mùa mưa lũ. Để góp phần ổn định đời sống người dân, UBND huyện Tánh Linh xác định thứ tự bức xúc để đầu tư khắc phục các công trình hư hỏng do thiên tai…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo tại hội nghị.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Đặc biệt ở Bình Thuận, các sự cố thiên tai lặp đi lặp lại, diễn ra thường xuyên như cháy tàu trên biển, cát tràn, tình hình sạt lở tại Đức Linh, Tánh Linh. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị liên quan xử lý còn chậm.

Các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Về nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các thành viên ban chỉ đạo, các địa phương tăng cường hơn nữa trách nhiệm, chủ động kiểm tra trước mùa mưa. UBND các huyện, thị, thành phố cần khẩn trương tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2023 và nhiệm vụ thời gian tới trong tháng 7/2024 để chỉ ra các vấn đề tồn tại. Trong quá trình rà soát, cần cập nhật lại kịch bản, phương án, nhất là phương án “4 tại chỗ” phải sát địa phương của mình.

Mặt khác, cần kiểm tra các công trình cầu cống thuộc địa bàn quản lý, nhất là các điểm có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai chủ động phòng chống, tuyên truyền, cảnh báo để bà con chủ động. Cùng với đó, khẩn trương rà soát hệ thống ao hồ, rà soát, xử lý các vị trí ao hồ có nguy hiểm, phòng tránh đuối nước. Đối với các địa phương ven biển, cần quan tâm sắp xếp, bố trí neo đậu tàu thuyền. Các ngành liên quan, phối hợp kiểm tra đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển, nhất là tuyến thủy nội địa.

Sạt lở ven biển do triều cường, sóng lớn.

Sạt lở ven biển do triều cường, sóng lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải giao Sở Xây dựng kiểm tra các dự án ven đồi cát, có giải pháp căn cơ, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, phối hợp Sở Xây dựng và các địa phương liên quan xử lý cát tràn; giám sát, đôn đốc các địa phương kiểm tra dòng chảy vùng hạ lưu…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phuong-an-4-tai-cho-phai-sat-voi-tinh-hinh-cu-the-tung-dia-phuong-120108.html