Phượng Mao ngày mới

PTĐT - Là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Thủy, Phượng Mao hiện có 839 hộ với 3.337 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 83%. Từng là xã đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... thấp kém, nhưng nhờ làm tốt công tác dân tộc, ...

Khu tái định cư dự án tưới cây vùng đồi Thanh Thủy - hồ Phượng Mao được xây dựng khang trang giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Khu tái định cư dự án tưới cây vùng đồi Thanh Thủy - hồ Phượng Mao được xây dựng khang trang giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

PTĐT - Là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Thủy, Phượng Mao hiện có 839 hộ với 3.337 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 83%. Từng là xã đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... thấp kém, nhưng nhờ làm tốt công tác dân tộc, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng đồng bào dân tộc ở Phượng Mao từng bước được nâng lên. Tháng 9 năm 2013, xã Phượng Mao được đưa ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn; tháng 12/2017 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được thành công ấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng và nhà nước theo chương trình 135, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, không thể không nói đến vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn xã trong việc tập hợp, thu hút và vận động, giáo dục, tuyên truyền đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đoàn kết, đồng lòng, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đảng ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề trong đó chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là phải tập trung củng cố, xây dựng và phát triển các tổ chức chính trị xã hội kết hợp với việc xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt có uy tín trong cộng đồng từ đó tập hợp, thu hút đồng bào các dân tộc tham gia. Để triển khai thực hiện nội dung này, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã có sự chỉ đạo hết sức cụ thể. Trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, lực lượng lao động trẻ phần lớn đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương là phụ nữ, người có tuổi và lao động thuộc các gia đình có diện tích canh tác nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp khá. Do đó, củng cố và phát triển tổ chức Hội phụ nữ, Hội CCB, Hội nông dân... sẽ là các ưu tiên bởi lực lượng lao động trên sẽ là hội viên của các tổ chức này. Mặt khác, Ban thường vụ Đảng ủy cũng hết sức coi trọng việc quy hoạch, xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ nòng cốt và mạnh dạn giao việc cho lực lượng cán bộ trẻ. Với cách làm như thế, sau 10 năm, nhất là một số năm gần đây, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tỷ lệ thu hút hội viên ngày càng tăng, tại các khu dân cư. Mỗi hội viên đều gắn vai trò, vị trí của mình trong mối quan hệ với tổ chức hội khi tham gia lao động sản xuất, tạo khí thế thi đua hăng hái, các phong trào thi đua được cấp hội cấp trên đánh giá cao, điển hình như tổ chức Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân… Việc không ngừng xây dựng và củng cố Tổ chức Hội nhằm thu hút hội viên, còn được chú ý bằng việc thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương thức hoạt động và đa dạng hóa các hình thức hoạt động Hội, trong đó chú trọng tháo gỡ các vấn đề cấp thiết, nổi cộm hoặc xây dựng các mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc… Mặt khác chúng tôi cũng hết sức quan tâm quyền lợi thiết thực của hội viên khi tham gia tổ chức hội, coi đây là một trong các mục tiêu phát triển tổ chức Hội. Tham gia vào tổ chức Hội, hội viên được bảo đảm mọi quyền lợi của mình; được ưu tiên hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ cũng như được học các lớp hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm…

Cán bộ Sở Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc xã Phượng Mao, Yến Mao

Cán bộ Sở Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc xã Phượng Mao, Yến Mao

Cũng liên quan đến nội dung tập hợp, thu hút đồng bào các DTTS tham gia vào các tổ chức Hội, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phượng Mao cho biết: Với đặc thù là địa phương miền núi, trình độ dân trí còn hạn chế, do vậy tuyên truyền vận động và giáo dục làm thay đổi nhận thức của bà con các dân tộc là nhiệm vụ đầu tiên ngay sau khi các tổ chức Hội của xã được kiện toàn và củng cố. Thông qua hoạt động của các tổ chức Hội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề, về pháp luật về sức khỏe, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình hoặc kỹ năng sống và kinh nghiệm xây đựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan... đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Song song với công tác giáo dục, tuyên truyền, xã còn chú trọng việc xây dựng, thành lập các mô hình tiêu biểu, các câu lạc bộ theo từng lĩnh vực như mô hình gia đình phát triển kinh tế; gia đình hiếu học; gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan; gia đình hạnh phúc; mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi; Mô hình nam nông dân của Hội nông dân; Mô hình “5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; các câu lạc bộ bình đẳng giới phòng chống bạo lực gia đình, nhóm nhỏ cặp vợ chồng, câu lạc bộ bóng chuyền hơi, câu lạc bộ thể dục thẩm mĩ, câu lạc bộ hát Xoan... Các mô hình và câu lạc bộ như vậy sau khi thành lập được duy trì hoạt động thường xuyên và thực sự phát huy tác dụng là những trung tâm giáo dục tuyên truyền, những minh chứng thực tế sinh động để thay đổi nhận thức của bà con từ đó tăng cường nhân rộng.Với cách làm trên, bà con luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó, hăng hái thi đua đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng chăm lo xây dựng gia đình, xóm thôn văn minh, văn hóa, hạnh phúc, giảm thiểu các tai, tệ nạn xã hội và tích cực phòng chống tội phạm, bài trừ hủ tục lạc hậu góp phần xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, hai nội dung thành công lớn nhất của công tác vận động tuyên truyền cho bà con thời gian qua đó là: Vận động cho bà con thực hiện đổi mới trong phát triển kinh tế xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới và vận động bà con thực hiện di dời giải phóng mặt bằng dự án tưới cây vùng đồi huyện Thanh Thủy - một nhiệm vụ khi mới triển khai tưởng chừng không thể hoàn thành thì nay, hàng trăm hộ đồng bào đã nghiêm chỉnh chấp hành, ổn định đời sống, ở khu tái định cư.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/phuong-mao-ngay-moi-167986