Phút sa chân của đứa con bị hất hủi

Giá như cha mẹ Thanh hiểu được nỗi khổ của con. Giá như họ dang rộng vòng tay bao dung đón nhận con mình, một đứa con đặc biệt cần cảm thông nâng đỡ thì Thanh đã không có phút sa chân lỡ bước như hôm nay.

Bị cáo tại phiên tòa

Bị cáo tại phiên tòa

Phiên tòa diễn ra chóng vánh. Vụ án thật đơn giản, không có nhiều tình tiết cũng không có gì gay cấn. Cáo trạng nêu ngắn gọn: Ngày 13/02/2020, Nguyễn Thị Châu Thanh bị bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Trước đó, ngày 12/02/2020, Thanh nhận giao ma túy cho một phụ nữ tên Xuyến với tiền công là 200.000 đồng. Thanh khai nhận hành vi của mình một cách bình thản, không quanh co chối tội. Kể cả khi Tòa tuyên án xong, vẻ mặt bị cáo vẫn không hề biến sắc.

Vậy mà trước đó, khi được trải lòng về cuộc đời mình, Thanh luôn nói bằng một giọng run run, đôi khi không kiềm được cảm xúc. Cũng không đợi đến lúc Thanh nói ra, thoạt nhìn Thanh ai cũng có thể đoán được Thanh là người thuộc thế giới thứ ba.

Đấy chính là bi kịch của cuộc đời Thanh. Ngay từ khi còn rất bé, Thanh đã ý thức được mình là một sản phẩm bị lỗi của tạo hóa. Thanh lờ mờ hiểu rằng mụ bà đã lỡ đặt vào cơ thể Thanh tâm hồn của một người con trai. Thanh tự nhận ra mình khác biệt với những bạn bè cùng trang lứa. Thanh chỉ thích đá bóng, đá cầu, trèo cây, đá dế với con trai. Quần áo Thanh lúc nào cũng xộc xệch, lấm lem. Thanh không ưa mặc váy, không thích chơi búp bê, đồ hàng. Năm 12 tuổi, Thanh bắt đầu học cách đi đứng, hành xử, mặc quần áo con trai… Việc này khiến cha mẹ Thanh không bằng lòng, mẹ thì cấm đoán, còn cha thẳng tay đánh đập.

Thanh quyết định thổ lộ với mẹ chuyện mình là người đồng tính. Mẹ Thanh không nói gì nhưng bà rất buồn. Cả hai mẹ con từ đó rất ít khi nói chuyện với nhau, nếu không muốn nói là họ luôn tránh né nhau. Còn với người cha nát rượu, thì Thanh tuyệt đối giấu kín bưng. Nhưng Thanh thế nào không thể qua mắt được mọi người xung quanh, từ đó, Thanh bắt đầu trở thành đề tài cho bạn bè, hàng xóm xì xầm, đồn thổi. Người ta xem Thanh như một kẻ xa lạ, lạc loài. Điều đó khiến Thanh không sao chịu nổi.

Thời gian thắm thoát trôi qua, Thanh như một người xa lạ cô đơn chính trong ngôi nhà mình, có cha mẹ nhưng không khác nào đứa trẻ mồ côi. Thanh thu mình lại, không dám kết bạn với ai, chỉ ru rú ở nhà hằng đêm với những giấc mơ trở thành đàn ông. Không thể nói ra với ai, Thanh tự dằn vặt, ức chế. Có những lúc, Thanh như rồ dại, tự nhốt mình trong nhà tắm, đứng dưới vòi sen hằng mấy tiếng đồng hồ, đến nỗi da thịt tái đi xám ngoét, mong tẩy rửa hết những thứ mà cô cho là tội lỗi vương trên thân thể mình.

Đã có lần, nửa đêm, Thanh ra đứng giữa cầu nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy định gieo mình xuống. Nhưng ánh mắt buồn rười rượi của mẹ, những trận đòn roi trong cơn say xỉn của cha vun vút lên người bà, đã khiến Thanh chùng bước. Mẹ đã khổ cả đời vì người chồng nát rượu, đã buồn bã thất vọng vì có một đứa con không bình thường, nay nếu mình chết đi có lẽ mẹ sẽ không sống nổi. Vậy là Thanh thất thểu quay về.

Không ai hiểu cho Thanh, kể cả cha mẹ. Sống trong sự kỳ thị của những người thân bên cạnh, Thanh luôn cảm thấy bị ngạt thở. Điều đó khiến Thanh quyết định ra đi mang theo ước mơ được sống thật với giới tính của mình.

Lên TP.HCM, Thanh xin vào làm công nhân trong một công ty sản xuất giày. Tại đây, Thanh gặp Xuyến. Xuyến bán hàng rong trước cổng công ty. Xuyến là người đã cưu mang Thanh, cho cô chỗ ăn, chỗ ở nhưng đồng thời cũng tập cho Thanh sử dụng ma túy. Trong tâm trạng chán đời, mất phương hướng, Thanh lao vào cái chết trắng như lao vào cứu cánh của đời mình. Đại dịch Covid-19 diễn ra, công ty giày lâm vào tình trạng khốn khó, họ cho một phần lớn công nhân nghỉ việc, trong đó có Thanh. Thất nghiệp, không tiền, Thanh tự nguyện trở thành tay sai của Xuyến trong các cuộc mua bán ma túy.

Cho đến lúc cơ quan điều tra hỏi về Xuyến, Thanh mới ngớ người ra, Thanh không hề biết gì về nhân thân của chị ta. Tất cả mọi lần gặp gỡ đều diễn ra ở căn phòng trọ mà Xuyến bỏ tiền ra thuê cho Thanh ở. Còn chị ta ở đâu, Thanh không hề biết. Xuyến trở thành nhân vật bí ẩn của vụ án. Nhưng điều bí ẩn ấy không khiến người ta tò mò và cũng không phải là điều mà mọi người quan tâm. Người ta chỉ cám cảnh cho cuộc đời của bị cáo hơn.

Hôm diễn ra phiên tòa, cha mẹ và người thân của bị cáo từ An Giang lặn lội lên TP.HCM trong đêm hôm trước, để kịp tham dự phiên xét xử. Đây là lần đầu tiên Thanh gặp lại người thân sau bao năm rời xa quê. Nhưng suốt phiên tòa, bị cáo không hề một lần quay xuống nhìn họ, cũng không nói lời nào, không bày tỏ tình cảm hay thái độ gì. Trước những lời buộc tội của Hội đồng xét xử, Thanh không một lời bào chữa. Dường như với Thanh ngồi trong tù hay ở bên ngoài cuộc sống không khác gì nhau.

Kết thúc phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Châu Thanh bị kết án 9 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Chỉ đến khi bước lên xe tù để trở về trại giam, Thanh mới đưa mắt nhìn một lượt khắp người thân bằng ánh mắt xót xa. Chiếc xe tù rời đi, những giọt nước mắt đau xót chảy dài trên khuôn mặt người cha già, ông ngã quỵ xuống.

Giá như trước đây, cha mẹ Thanh hiểu được nỗi khổ của con. Giá như họ dang rộng vòng tay bao dung đón nhận con mình, một đứa con đặc biệt cần cảm thông nâng đỡ thì Thanh đã không có phút sa chân lỡ bước như hôm nay.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/phut-sa-chan-cua-dua-con-bi-hat-hui-59924.html