PKĐK Tây Bắc, Lào Cai sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh?

Báo Sức khỏe&Đời sống nhận được phản ánh của bạn đọc tố cáo Phòng khám đa khoa (PKĐK) Tây Bắc có địa chỉ tại 541 đường Hoàng Quốc Việt, TP Lào Cai do BS. Mai Công Doanh là người chịu trách nhiệm chuyên môn sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề trong khám chữa bệnh.

Theo quan sát của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, PKĐK Tây Bắc nằm ở trung tâm TP. Lào Cai. Cuối giờ chiều một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến PKĐK Tây Bắc đề nghị được khám bệnh. Một nhân viên mặc áo trắng, nhìn như điều dưỡng đon đả: Anh cần khám gì?

Phóng viên đề nghị được siêu âm vì từ trưa thấy đau bụng. Bất ngờ, một thanh niên dong dỏng cao từ đâu chạy về, quần xanh, áo cộc màu đen đề nghị tôi lên giường và thực hiện kỹ thuật siêu âm. Sau một hồi kiểm tra ổ bụng, không phát hiện điều bất thường, người thanh niên đề nghị về nhà theo dõi thêm.

Nhân viên PKĐK Tây Bắc không đeo biển tên, không có trang phục y tế siêu âm cho người dân.

Nhân viên PKĐK Tây Bắc không đeo biển tên, không có trang phục y tế siêu âm cho người dân.

Khi kết quả siêu âm được in ra đã có sẵn tên người siêu âm Nguyễn Hương nhưng không có chữ ký. Khi tôi hỏi vì sao không có chữ ký của bác sĩ tại kết quả siêu âm, cô nhân viên mặc áo trắng thoáng giật mình mà không trả lời.

Kết thúc buổi siêu âm chớp nhoáng, cô nhân viên đề nghị thu 100.000 đồng. Khi chúng tôi yêu cầu cung cấp phiếu thu, miễn cưỡng một lúc cô này đưa ra phiếu khám bệnh không số, có phần yêu cầu: siêu âm ổ bụng tổng quát. Đơn giá 100.000 đồng.

Quan sát PKĐK Tây Bắc, tại thời điểm chiều muộn chúng tôi có mặt, chỉ thấy 2 người này làm việc tại phòng khám.

Trong nội dung đơn thư của bạn đọc gửi đến báo, người này tố cáo đích danh nhân viên của phòng khám có tên Mai Tiến Dũng quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, không có chứng chỉ hành nghề nhưng hiện nay làm việc tại PKĐK Tây Bắc với nhiệm vụ: siêu âm, Xquang, nội soi tai mũi họng. Người thanh niên vừa siêu âm cho tôi có phải là Mai Tiến Dũng như trong đơn gửi đến báo Sức khỏe&Đời sống không?

Trong khi đó, phòng khám không công khai tên người hành nghề và thời gian làm việc để người dân tiện theo dõi.

Theo tài liệu của chúng tôi có được, PKĐK Tây Bắc hiện có 3 y, bác sĩ đang hành nghề toàn thời gian có đăng ký với Sở Y tế Lào Cai (BS. Mai Công Doanh, điều dưỡng Bùi Thị Hoa Thảo, điều dưỡng Vũ Thị Châu Loan) và 1 điều dưỡng không có trong danh sách đăng ký hành nghề toàn thời gian với Sở Y tế nhưng có chứng chỉ hành nghề, bằng tốt nghiệp, hợp đồng học việc với phòng khám.

Chúng tôi đã đến làm việc với ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai về nghi vấn nhân viên y tế của PKĐK Tây Bắc chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh. Ông Hương trả lời, hoàn toàn bất ngờ về vi phạm này và chưa nhận được báo cáo. Việc quản lý phòng khám ngoài công lập trên địa bàn là trách nhiệm của Sở Y tế, nếu để xảy ra sai phạm, Sở cũng có trách nhiệm nên cũng rất lo lắng. “Nếu các phòng khám vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Hương cam kết.

Trước các nghi vấn về nhân viên y tế của PKĐK Tây Bắc, thực hiện khám chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề, đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Lào Cai khẩn trương kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh. Bảo vệ sức khỏe của người dân.

Báo Sức khỏe&Đời sống tiếp tục theo dõi vấn đề này.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 tại Điều 6, quy định các hành vi bị cấm, trong đó, khoản 2 có quy định, cấm: Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Thộng tư số 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về trang phục y tế tại Điều 28 quy định về sử dụng trang phục y tế, khoản 1, có quy định: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học viên, học sinh, sinh viên, người thực hành khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng trang phục y tế theo đúng quy định tại thông tư này.

Điều 25 của Thông tư 45/2015/TT-BYT có yêu cầu: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đeo biển tên khi thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm phóng viên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pkdk-tay-bac-lao-cai-su-dung-nguoi-khong-co-chung-chi-hanh-nghe-kham-chua-benh-n180746.html