PVN tiếp tục có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

Tuy gặp khó khăn, thách thức trong bối cảnh chịu 'khủng hoảng kép' nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nhận ra những cơ hội để củng cố lại 'đội hình', sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Tinh thần của PVN là phải đạt bằng được 'mục tiêu kép' trong 'khủng hoảng kép' - tức là vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh tốt.

“Mục tiêu kép” ứng phó “khủng hoảng kép”

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong cả quý I và tháng 4-2020, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hậu quả trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.

Cùng với đó, giá dầu liên tục giảm mạnh kéo dài chưa từng có ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trên toàn thế giới. Tình trạng tồn kho liên tục tăng do sản phẩm làm ra không bán được, các dự án đầu tư bị “đóng băng”, thậm chí, nguy cơ mất cân đối tài chính dẫn tới phá sản... đã diễn ra. Để ứng phó với tác động tiêu cực này, nhiều doanh nghiệp dầu khí quốc tế lớn đã phải tính đến các phương án tạm ngừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, giảm hoặc cắt giảm cổ tức, bán tài sản và thậm chí sa thải nhân công, tuyên bố phá sản.

Trong “cơn bão” đó, ngành Dầu khí Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của các đơn vị thành viên PVN, hiện những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch Covid-19. Nhiều nhà thầu không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong tỏa, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm… Cùng với đó, các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1-2020…

Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân urê và NPK không như kỳ vọng, nguyên nhân do nhu cầu của hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh…

Khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh..., doanh thu bán dầu và nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh khi giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm tương ứng từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách nhà nước).

Đạt kết quả ấn tượng

Xác định những khó khăn, thách thức là rất lớn nên trong suốt thời gian qua, với phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, tập đoàn đã quyết liệt triển khai đồng bộ các gói giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong từng lĩnh vực hoạt động về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trước “khủng hoảng kép”.

Với nhiều nỗ lực, trong 4 tháng đầu năm 2020, tất cả các đơn vị trong tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất, sản lượng sản xuất cơ bản hoàn thành vượt mức đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu 4 tháng đạt 7,2 triệu tấn (vượt 7,7% kế hoạch 4 tháng), sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh, sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn (vượt 7,8% kế hoạch 4 tháng), sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn (vượt 2,2% kế hoạch 4 tháng). Tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí trong tháng 4-2020 bắt đầu khởi sắc, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của BSR và PVNDB đều tăng 3,6-17,6% so với tháng trước. Việc này khiến cho tình trạng tồn kho các sản phẩm tháng 4 có xu hướng giảm so với tháng 3, tuy nhiên vẫn còn tương đối cao.

Bên cạnh việc bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, PVN và các đơn vị đã tập trung, chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19. Công tác an toàn, an ninh, công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, công trường, nhà máy được các nhà thầu dầu khí, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban với tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị, dự án về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng năm 2020, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều biến động, PVN vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, trong tháng 5 và các tháng còn lại của quý II-2020, Tổng Giám đốc đề nghị các đơn vị phải thay đổi cách quản trị để ứng phó với các biến động, vì tình hình đã nghiêm trọng hơn dự báo, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt nhanh nhất cơ hội. Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã phần nào được kiểm soát nhưng với các đối tác nước ngoài của PVN vẫn còn rất nhiều nguy cơ, do đó, các đơn vị cần có ý thức trong việc phòng, chống dịch, nhằm giảm thiểu những tác động của dịch bệnh đến hoạt động của các dự án.

“Khó khăn trước mắt còn rất lớn, nhưng với sự cố gắng của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tránh được những cơn sóng lớn” - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/967169/pvn-tiep-tuc-co-dong-gop-quan-trong-cho-nen-kinh-te