Quà quê mang hồn Phố cổ
Na Rì từ lâu đã nổi tiếng với nhiều sản vật mang đậm bản sắc địa phương. Một trong những đặc sản làm nên tên tuổi vùng đất này chính là quẩy Phố cổ - món ăn dân dã, giòn rụm, mang theo cả hồn cốt của một vùng quê cổ kính.

Người dân bán các loại bánh truyền thống tại Chợ đêm Phố cổ, xã Na Rì. Ảnh: T.L
Ghé thăm gia đình bà Lý Thị Bình, ở tổ dân phố 6, khu Phố cổ xã Na Rì (tỉnh Thái Nguyên), trong căn nhà ống bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, chúng tôi bắt gặp bà Bình đang thoăn thoắt cán bột, cắt miếng rồi khéo léo xoắn từng chiếc quẩy.
Vừa làm, bà Bình vừa kể, hơn 30 năm trước, ngày mới về đây làm dâu, bà được mẹ chồng truyền lại bí quyết làm quẩy xoắn. Thuở ban đầu bỡ ngỡ lắm, nhất là mỗi lần mang quẩy ra chợ bán, bà còn ngại ngùng. Nhưng khi thấy quẩy bán được nhiều, có thêm thu nhập cho gia đình, nên gắn bó với nghề. Đến nay, đôi tay quen việc của bà Bình vẫn ngày ngày nhào bột, xoắn quẩy, chao quẩy giữ trọn hương vị quà quê nơi phố cổ vùng cao.
Đối diện nhà bà Bình, hai mẹ con bà La Thị Huyền cũng đang tập trung làm quẩy.
Bà Huyền bảo rằng, bí quyết để làm ra những chiếc quẩy xoắn thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Gạo nếp phải là loại gạo bản địa dẻo ngon, được ngâm qua đêm khoảng 8 tiếng, sau đó mang đi nghiền nhuyễn. Phần bột sau nghiền trộn cùng đường rồi đem hấp chín, tiếp tục nhào lại với bột khô cho đến khi đạt độ dẻo mịn.
Khi bột đã đạt chuẩn, người làm quẩy dùng chày cán mỏng, cắt thành từng miếng nhỏ rồi khéo léo vặn xoắn lại tạo thành hình đặc trưng của quẩy. Sau đó quẩy được đem chiên dầu là có thể thưởng thức. Công việc tuy vất vả nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm để quẩy vừa đẹp mắt, vừa giữ được hương vị truyền thống.
Trải qua nhiều thế hệ, mỗi gia đình ở phố cổ Na Rì đều đúc kết cho mình công thức làm quẩy xoắn riêng biệt.
Trước đây, sản phẩm chủ yếu được bà con mang ra chợ đầu mối của xã bán theo cách truyền thống, tuy nhiên phương thức này chưa thật sự hiệu quả. Nhận thấy điều đó, con dâu bà Huyền cùng nhiều người dân trong xã đã chủ động tiếp cận công nghệ số, đưa sản phẩm quẩy xoắn lên các nền tảng trực tuyến để quảng bá. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm ngày càng đến với nhiều khách hàng hơn.
Vừa vớt mẻ quẩy chiên giòn thơm lừng, chị Hoàng Thị Lập xởi lởi mời chúng tôi thưởng thức rồi chia sẻ câu chuyện gắn bó với nghề. Theo đó, quê ở Lạng Sơn, về làm dâu ở đây đã hơn 7 năm, được mẹ chồng truyền dạy cách làm quẩy.
Ban đầu, mẹ chồng chị chỉ mang quẩy ra chợ bán hoặc bày bán ngay trước cửa nhà. Sau này, chị Lập bắt đầu tìm hiểu cách bán hàng qua mạng xã hội, trước tiên là trên Facebook, rồi dần dần chuyển sang bán sỉ cho khách online. Trước kia làm theo cách truyền thống, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 40–50 gói, nhưng từ khi bán online, có ngày đơn hàng lên tới 400–500 gói, ít thì cũng được 100-200 gói, nhiều hôm còn không làm kịp để giao quẩy cho khách.
Chị Lập cho biết, giờ đây nghề làm quẩy không chỉ là một phần ký ức gia đình mà còn mang lại thu nhập ổn định, giúp chị gắn bó với mảnh đất làm dâu bằng cả tình yêu và sự sáng tạo.

Sản phẩm quẩy xoắn Phố cổ, xã Na Rì.
Với hương vị đặc trưng và sự mộc mạc mang đậm dấu ấn bản địa, quẩy Phố cổ Na Rì không chỉ là món quà dân dã quen thuộc mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm, quẩy Phố cổ Na Rì đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định giá trị văn hóa - kinh tế của một món ăn tưởng chừng đơn sơ nhưng lại đầy sức sống.
Không dừng lại ở việc sản xuất, người dân địa phương còn tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực. Trong đó, nổi bật là chương trình Chợ đêm Phố cổ được tổ chức định kỳ tại xã Na Rì. Đây là không gian lý tưởng để du khách tham quan, thưởng thức các đặc sản địa phương, trong đó có món quẩy xoắn nổi tiếng và tìm hiểu thêm về đời sống, phong tục của người dân bản địa.
Việc đưa sản phẩm truyền thống vươn xa không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc quê hương, từng bước thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.