'Bít cửa' cho hãng điện thoại mới vào Việt Nam

Các hãng mới gia nhập thị trường, dùng chiến lược giá thấp, cấu hình cao để hút khách. Tuy nhiên, quân bài này đã lỗi thời, khó tạo ra khác biệt.

Gần đây, nhiều hãng Trung Quốc mới, xa lạ với người dùng nội địa, gia nhập thị trường. Các nhà sản xuất sử dụng chiến lược giá thấp, cấu hình cao như cách Xiaomi từng dùng để hút khách. Tuy nhiên, thị trường đã khác 10 năm trước. Quân bài giá rẻ, thông số "khủng" không còn thể hiện hiệu quả như trước.

Thị trường di động Việt Nam hiện nay là sân chơi của những thương hiệu lớn, có đầu tư nghiêm túc vào truyền thông, mạng lưới bán hàng trong thời gian dài. Những "tay chơi" mới, dùng chiến lược ngắn hạn khó thành công.

Khuấy động phân khúc giá thấp

Nửa đầu năm, phân khúc giá thấp 2-5 triệu đồng được khấy động bởi nhiều đại diện mới từ Trung Quốc. Dòng ZTE Nubia, Tecno Pova hay Meizu Lucky gây chú ý, được trang bị pin lớn, cấu hình mạnh so với giá tiền.

“Thương hiệu mới khác biệt rõ nét ở điểm tập trung vào sản phẩm ‘giá tốt - cấu hình cao’, nhằm tạo sức hút bước đầu. So với những hãng quen mặt tại Việt Nam, đã đầu tư mạnh về thương hiệu và hệ thống phân phối, họ chọn hướng đi gọn gàng, tối ưu chi phí tiếp cận khách qua trực tuyến và các kênh bán lẻ chọn lọc”, ông Nguyễn Như Thành , Phó Giám đốc Ngành hàng điện thoại, hệ thống FPT Shop, chia sẻ với Tri Thức - Znews về cách các hãng mới xâm nhập thị trường Việt Nam.

Kệ hàng các đại lý xuất hiện nhiều model lạ, cấu hình cao, giá mềm.

Kệ hàng các đại lý xuất hiện nhiều model lạ, cấu hình cao, giá mềm.

So với các đối thủ từ Oppo, Samsung hay Xiaomi, những model nói trên có nhiều ưu điểm, với giá bán rẻ hơn khoảng 10-20%. Tuy nhiên, đây đều là những thương hiệu Trung Quốc, lại không nổi tiếng, tương đối xa lạ với khách hàng trong nước.

Hãng không có các chiến dịch truyền thông, định vị thương hiệu rõ ràng, nên người dùng ít chú ý tới. Ngoài ra, họ phân phối trên các kênh online, đại lý tầm trung hay chuỗi truyền thống, vốn không phải nơi người Việt Nam mua điện thoại nhiều.

“Những hãng này có độ nhận diện thấp, truyền thông hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào kênh marketing đại lý. Họ cũng không có hoạt động bài bản hay quy mô”, bà Hoàng Tâm, đại diện Hoàng Hà Mobile, chuỗi đang bán nhiều dòng máy Trung Quốc mới, chia sẻ.

Bất chấp ưu thế cấu hình, những mẫu máy từ ZTE, Tecno hay Meizu đều không đạt được doanh số nổi bật. Ở tầm giá này, dòng Redmi, Galaxy A0x, A1x hay Oppo A series được ưa chuộng hơn hẳn. Trong danh sách điện thoại bán chạy của đại lý trong nước, những model này thường xuyên có tên.

Khó thắng nếu chỉ có lợi thế giá

Xiaomi, thương hiệu thâm nhập thị trường chính hãng bằng chiến lược giá thấp, cũng vấp không ít trở ngại trong giai đoạn đầu. Hãng này nổi tiếng từ trước khi bán chính hãng, có tập người dùng trung thành. Tuy nhiên, máy nhập chính hãng khi ra mắt lại bị quay lưng bởi không đủ rẻ so với hàng xách tay. Trong khi đó, nhà sản xuất không tiếp cận được với khách hàng mới vì phân phối ở đại lý nhỏ, ít truyền thông.

Hãng này dần chuyển dịch chiến lược, địa phương hóa tốt hơn. Xiaomi vào chuỗi Thế Giới Di Động, cung cấp nhiều sản phẩm độc quyền cho nhà bán lẻ này, thúc đẩy doanh số nhanh chóng. Hãng cũng thuê người nổi tiếng quảng cáo, đại diện sản phẩm nhằm tăng độ phủ.

 Không cạnh tranh bằng cấu hình hay giá thấp, Oppo vẫn sống tốt ở Việt Nam.

Không cạnh tranh bằng cấu hình hay giá thấp, Oppo vẫn sống tốt ở Việt Nam.

Sau quá trình đầu tư, Xiaomi hiện đứng thứ 2 ở Việt Nam sau Samsung. Trong khi đó, nhiều hãng gia nhập trước công ty này, dùng giá để cạnh tranh sớm “bật bãi”, không thể duy trì.

Oppo cũng là một ví dụ về chiến lược đầu tư hiệu quả. Hãng này từ lúc xuất hiện chưa từng dùng cấu hình hay giá rẻ để đối đầu. Sau nhiều năm, họ đã có tập khách hàng trung thành, tạo dựng được uy tín thương hiệu, duy trì thị phần ổn định ở Việt Nam.

“Việc không truyền thông bài bản khiến độ nhận diện của những hãng mới rất thấp, khiến người dùng dè dặt, nghĩ là hàng xách tay. Họ cũng không tạo được niềm tin ban đầu với người dùng phổ thông, vốn mua nhiều ở phân khúc tầm trung. Đại lý cũng khó đẩy doanh số vì hãng chẳng hỗ trợ được nhiều”, bà Tâm Hoàng nói thêm.

Đồng quan điểm, ông H.L., chuyên gia truyền thông có nhiều năm làm việc trong mảng bán lẻ di động, cho rằng thị trường Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt dù không có nhiều hãng. Những thương hiệu mới tham gia có thể tạo hiệu ứng trong ngắn hạn, nhưng khó duy trì khi doanh số chưa đạt kỳ vọng.

“Họ buộc phải đầu tư lớn, nghiêm túc và tạo được khác biệt, may ra chen chân vào được. Samsung, Oppo, Samsung và Apple hiện rất mạnh. Không làm được như vậy cũng chỉ hao vốn, tốn thời gian”, ông H.L. bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Thành cho rằng các nhà sản xuất mới tương đối dè dặt trong thời gian đầu để thăm dò thị trường, tối ưu chi phí. “Nếu phản ứng tốt, sản phẩm có sức hút, họ sẽ tính đến chuyện mở rộng quy mô. Còn để tăng trưởng dài hạn, đầu tư bài bản vào truyền thông là bắt buộc”, ông Thành nói.

Hùng Phi

Nguồn Znews: https://znews.vn/bit-cua-cho-hang-dien-thoai-moi-vao-viet-nam-post1571571.html