Quan điểm của Việt Nam về khả năng 'Bộ tứ' hợp tác với ASEAN

ASEAN luôn luôn hoan nghênh các sáng kiến, các ý tưởng đóng góp vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 15/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc hợp tác giữa các đối tác và ASEAN nhằm bảo vệ tự do tại các vùng biển, cũng như kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trước việc tại Diễn đàn Ấn Độ-Hoa Kỳ diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết, các nước thuộc “bộ tứ kim cương” (Quad) có thể hợp tác sâu hơn với các nước ASEAN trong việc bảo vệ tự do tại các vùng biển, bà Hằng nhấn mạnh: ASEAN luôn luôn hoan nghênh các sáng kiến, các ý tưởng đóng góp vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đặt nhiệm vụ chính trong năm Chủ tịch là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò Chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài và sâu sắc tới đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu và khu vực, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN cũng như các nước đối tác, cũng là đối tác của ASEAN, chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân, vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác cần luôn được đề cao.

* Liên quan tới việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, bà Hằng cho biết: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang cùng các nước thành viên tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này và sẵn sàng các phương án tổ chức để đảm bảo an ninh, hiệu quả và thiết thực.

ASEAN có một nguyên tắc đồng thuận, do đó, sau khi các nước ASEAN có phương án đồng thuận về việc tổ chức hội nghị thì sẽ có thông báo chính thức.

* Trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington gần đây cho biết, Trung Quốc có 400 doanh nghiệp ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn nhấn mạnh: Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và gây phức tạp thêm tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Thùy Dung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-ngoai/quan-diem-cua-viet-nam-ve-kha-nang-bo-tu-hop-tac-voi-asean/410727.vgp