Quan hệ Việt - Nhật: Đã rất tốt đẹp, sẽ còn đột phá và vươn cao

Chuyên gia nhận định quan hệ Việt - Nhật sẽ có nhiều dư địa hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là tăng trưởng xanh và công nghệ cao.

Nhận lời mời từ nhà nước Nhật, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (VN) bắt đầu chuyến công du bốn ngày đến Nhật (từ ngày 27 đến 30-11).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đánh dấu chín năm VN - Nhật nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác chiến lược sâu rộng.

Nhân sự kiện này, báoPháp Luật TP.HCMđã có cuộc phỏng vấn một số chuyên gia về ý nghĩa của chuyến thăm và tiềm năng hợp tác Việt - Nhật trong thời gian tới. Tham gia cuộc phỏng vấn có TS Satoru Nagao - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hudson (viện nghiên cứu chính sách ở Mỹ) và TS Nguyễn Khắc Giang - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS ở Singapore, nghiên cứu các xu hướng và sự phát triển chính trị - xã hội, an ninh và kinh tế, môi trường kinh tế và địa chiến lược ở Đông Nam Á).

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 27-11. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 27-11. Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt - Nhật hữu hảo hơn nửa thế kỷ

Các chuyên gia đều cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Nhật có ý nghĩa vô cùng quan trọng và góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, vốn là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, ít chịu tác động từ hoàn cảnh bên ngoài trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Về lịch sử quan hệ Việt - Nhật, TS Nagao lưu ý rằng sự kết thúc của thời kỳ Chiến tranh Lạnh chính là cơ hội để Nhật và VN thúc đẩy quan hệ hợp tác. Từ đó đến nay, hai nước đã hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch...

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ KH&ĐT VN, tính từ năm 1992 đến nay (từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh), Nhật đã hỗ trợ VN hơn 2.700 tỉ yen (438.288 tỉ đồng) vốn ODA, gần 100 tỉ yen (16.233 tỉ đồng) viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỉ yen (29.219 tỉ đồng) hỗ trợ hợp tác kỹ thuật.

Đồng quan điểm, TS Giang nhận định Nhật là “quốc gia mà VN có mối quan hệ hữu hảo xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua”. Điều này thể hiện qua việc Nhật hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác đầu tư quan trọng bậc nhất và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của VN.

Hợp tác về phát triển công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn sẽ là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác cho hai bên.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân là một trong những trụ cột quan trọng, là cầu nối vững chắc cho quan hệ Việt - Nhật, theo TS Nagao. TS Nagao dẫn số liệu từ Cơ quan Dịch vụ nhập cư Nhật cho biết tính đến cuối năm 2022, có 489.312 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật và con số này đã tăng thêm 56.378 người, đưa người VN trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật.

“Nếu xu hướng này tiếp tục, người VN sẽ là lượng người nước ngoài lớn nhất tại Nhật trong tương lai. Và điều này sẽ thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước” - theo TS Nagao.

Ở chiều ngược lại, hiện có khoảng 22.000 người Nhật đang sinh sống tại VN, tăng gấp đôi kể từ năm 2013.

Đặt quan hệ Việt - Nhật trong bối cảnh toàn cầu, TS Nagao cho rằng sự hợp tác song phương chính là cơ hội để hai nước tăng cường tiếng nói trên trường thế giới. Theo TS Nagao, VN dần khẳng định mình như một “cường quốc đang lên” trên sân khấu toàn cầu với sức ảnh hưởng ngày càng tăng. Và Nhật, với vị thế hiện tại, chính là “bước đệm” giúp tiếng nói của VN ngày càng mạnh mẽ và giá trị hơn trên trường thế giới.

Nhật là quốc gia mà VN có mối quan hệ hữu hảo xuyên suốt trong hơn nửa thế kỷ qua, ít chịu tác động từ hoàn cảnh bên ngoài.

TS NGUYỄN KHẮC GIANG

Tiềm năng bứt phá quan hệ kinh tế song phương

Theo TS Giang, hai bên đều là những quốc gia có độ mở kinh tế cao, phụ thuộc vào giao thương quốc tế để phát triển. Vì thế, các hiệp định thương mại, sáng kiến kinh tế song phương và đa phương là trụ cột quan trọng nhất trong mối quan hệ Việt - Nhật.

“Trong bối cảnh hợp tác khu vực và thế giới hiện tại, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Hợp tác về phát triển công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt khi VN dần đóng vai trò cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác cho hai bên” - TS Giang nhận định.

Nhật là một trong những quốc gia đầu tư sớm nhất vào VN. Ở VN, các nhà đầu tư Nhật được biết đến rộng rãi tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn về môi trường và tính bền vững. Tham vọng chuyển đổi xanh và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 sẽ đặt ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư VN và Nhật, đặc biệt trong công nghệ năng lượng, tái chế, xử lý rác thải, sản xuất nông nghiệp… VN cũng thuộc nhóm ba nước được Nhật tài trợ trong khuôn khổ Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP).

TS Nagao cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Nagao, khi phát triển với tốc độ nhanh chóng, Nhật cũng đã đối mặt với rất nhiều vấn đề ô nhiễm, song sau đó đã tập trung cải thiện hệ thống và các vấn đề này hiện nay rất ít xảy ra. Nhật cũng đã hỗ trợ nhiều nước cải thiện các vấn đề môi trường, chẳng hạn lắp đặt máy móc để giảm thiểu vật liệu ô nhiễm từ các nhà máy, nhà máy điện than ở Đông Nam Á. Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà Nhật có thể hỗ trợ VN cải thiện môi trường bằng cách sử dụng cả kinh nghiệm và công nghệ.

Bên cạnh đó, theo TS Giang, hai bên có thể tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới, đặc biệt Nhật có thể hỗ trợ VN hiệu quả hơn trong giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế kinh tế thị trường, chuyển giao công nghệ, giúp thúc đẩy nền công nghiệp nội địa của VN phát triển tương xứng với tiềm năng.

“Hiện tại, VN vẫn chủ yếu là nơi tiếp nhận vốn sản xuất và cung cấp lao động cho các đối tác Nhật, hợp tác tương lai cần hướng tới nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp VN” - theo TS Giang.•

Tăng cường quan hệ song phương qua các cuộc gặp cấp cao

Theo giới quan sát, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ góp phần tăng cường giao lưu, trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cho thấy sự đánh giá cao của cả VN và Nhật đối với quan hệ song phương.

Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước đến Nhật, là chuyến thăm Nhật thứ tư của các chủ tịch nước VN kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Với chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước, trong năm 2023, cả bốn lãnh đạo cấp cao VN đều đã trao đổi, tiếp xúc với giới lãnh đạo Nhật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio hồi tháng 3. Tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Kishida bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Otsuji Hidehisa vào tháng 9.

Ngày 21-9, Hoàng Thái tử Nhật Fumihito Akishino và Công nương Kawashima Kiko thăm chính thức VN. Nước ta cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Yoshihide Suga.

DƯƠNG KHANG - THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-he-viet-nhat-da-rat-tot-dep-se-con-dot-pha-va-vuon-cao-post763757.html