Quản lý chặt việc cải tạo đất để khai thác khoáng sản

Một đơn vị tổ chức khai thác đất tại một mỏ đá trên địa bàn xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC

Nhu cầu cải tạo đất đối với những thửa đất kém hiệu quả hiện nay là rất lớn trong nhân dân. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để khai thác đất, đá không phép, khai thác ngoài diện tích và khối lượng đã cho phép. Để tạo điều kiện phục vụ cho các công trình tại địa phương, UBND tỉnh thống nhất tạm thời tiếp tục cho phép tận dụng lượng khoáng sản đất, đá dôi dư từ quá trình cải tạo đất của các hộ dân đến hết năm 2019.

Phức tạp vấn đề cải tạo đất

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xin cải tạo lại thửa đất của mình vì những thửa đất này không canh tác được hoặc canh tác kém hiệu quả; một số hộ khác lại có nhu cầu xin cải tạo đất nhằm tạo mặt bằng phù hợp với thực tế sử dụng. Tuy nhiên, công tác quản lý việc tận dụng khối lượng đất, đá dôi dư gặp nhiều khó khăn, hạn chế, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cấp phép này để khai thác đất, đá không phép, khai thác ngoài diện tích và khối lượng đã cho phép.

Ông Trương Văn Minh ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), cho biết: Thời gian qua, tuyến đường bê tông từ quốc lộ 1 đến khu dân cư Đá Dựng thuộc xã Hòa Xuân Tây với chiều dài khoảng 6km nhưng mỗi ngày có hàng chục đến hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ vận chuyển đất, đá gây bụi bặm, mất an toàn giao thông và hư hỏng đường bê tông. Người dân nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương cũng giải thích là trên địa bàn chỉ có một số mỏ đá được cấp phép khai thác, nhưng nhiều xe tải lại vận chuyển đất ra khỏi địa phương. Việc lợi dụng giấy phép khai thác đá để khai thác đất đã diễn ra nhiều năm nay ở khu vực này.

Theo UBND xã Hòa Xuân Tây, việc người dân phản ánh tình trạng xe tải chở đất, đá quá tải là có cơ sở, tuy nhiên địa phương không có chức năng cho dừng xe và cũng vượt quá thẩm quyền xử lý nên xã đã báo cáo lên huyện.

Còn theo ông Huỳnh Minh Thường, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), tình trạng khai thác đất, đá trái phép trên địa bàn cũng diễn ra một thời gian dài. Địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đất, đá trái phép.

Ngoài ra, một số mỏ đất được tỉnh cấp phép lại xảy ra tình trạng khai thác mất an toàn, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở gần khu vực mỏ, môi trường bị ô nhiễm, đường sá bị hư hỏng do xe tải chở đất, đá gây ra…

Theo Sở TN-MT, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã cho phép 24 hộ dân được phép cải tạo lại thửa đất của hộ gia đình, trong đó lượng đất, đá dôi dư được tỉnh cho phép tận dụng (khoảng 332.175m3 đất, 1.550m3 đá) để phục vụ các công trình hoặc làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại địa phương.

Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Trong 24 hộ dân được cấp phép cải tạo lại thửa đất thì có 16 hộ xin tận dụng đất, 7 hộ xin tận dụng đá và 1 hộ xin tận dụng cát. Đến nay, có 10 hộ đã kết thúc việc cải tạo đất, đưa khu đất vào sử dụng đúng mục đích, 14 hộ còn lại vẫn đang thực hiện cải tạo.

Hầu hết các hộ xin cải tạo đất này đều được UBND cấp huyện phê duyệt phương án cải tạo đất. Các hộ dân đã thuê doanh nghiệp để thực hiện việc cải tạo, nhưng lượng đất, đá dôi dư của các hộ dân này không có nhu cầu sử dụng nên các doanh nghiệp xin tận dụng để thi công các công trình hoặc làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại địa phương…

Tăng cường quản lý

Theo Sở TN-MT, các hộ dân được phép cải tạo đất và đơn vị sử dụng đất, đá dôi dư đã thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định. Các thửa đất sau khi cải tạo cơ bản đã nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giải quyết nhu cầu vật liệu đất san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng tại địa phương, hạn chế việc khai thác không phép loại khoáng sản này.

Theo ông Mai Kim Lộc, Luật Khoáng sản chưa quy định đối với việc tận dụng khoáng sản đất, đá dôi dư từ quá trình cải tạo đất nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý của các cấp hiện nay chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp tận dụng, sử dụng nguồn khoáng sản (đất, đá) dôi dư chưa đảm bảo theo quy định.

Việc lập hồ sơ cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản mất nhiều thời gian, trong khi một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến nguồn vật liệu san lấp mặt bằng các công trình đang thi công nên không chú trọng đến việc lập hồ sơ thăm dò, khai thác đối với loại vật liệu này. UBND cấp huyện là đơn vị phê duyệt phương án cải tạo đất, nhưng đánh giá khối lượng đất, đá dôi dư từ quá trình cải tạo đất chưa chính xác nên đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp khai thác khoáng sản không phép, làm thất thoát tài nguyên.

Ông Mai Kim Lộc cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đất san lấp (tại xã An Cư, huyện Tuy An) với tổng trữ lượng cho phép là 17.055m3 nguyên khai. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là các công trình đang gấp rút thi công chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh nên UBND tỉnh cần có hướng chỉ đạo để giải quyết kịp thời.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến cho biết: UBND tỉnh thống nhất tạm thời tiếp tục cho phép tận dụng lượng khoáng sản đất, đá dôi dư từ quá trình cải tạo đất của các hộ dân đến hết năm 2019 để phục vụ cho các công trình tại địa phương.

Từ năm 2020 trở đi, UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu và xây dựng đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để chủ động hướng dẫn quá trình cải tạo đất của các hộ dân.

UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án, công trình hàng năm, 5 năm và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, trên cơ sở các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch để giới thiệu, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đủ năng lực lập hồ sơ thăm dò, khai thác theo đúng quy định.

Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản không phép, trường hợp để tình trạng khai thác khoáng sản không phép xảy ra mà không có biện pháp ngăn chặn triệt để thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/221925/quan-ly-chat-viec-cai-tao-dat-de-khai-thac-khoang-san.html