Quản lý nhà nước về báo chí thời công nghệ 4.0

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Cục Báo chí (Bộ Thông tin, Văn hóa, Du lịch Lào). Ảnh: HOÀI SƠN

Đoàn công tác của Bộ TT-TT do Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi làm trưởng đoàn và đại diện các cơ quan: Sở TT-TT Phú Yên, Yên Bái cùng các báo: Lâm Đồng, Lào Cai, Phú Thọ vừa đi thăm, làm việc tại CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.

Chuyến công tác nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động báo chí và quản lý trong lĩnh vực thông tin truyền thông, tìm hiểu Luật Báo chí, tình trạng xử lý tin tức giả mạo (fake news) trên các loại hình báo chí truyền thông ở Lào và Campuchia thời công nghệ 4.0.

Những điểm khác biệt

Đoàn đã làm việc với Cục Báo chí, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Báo điện tử Vientiane Times, Đài Truyền hình quốc gia Lào. Tại Campuchia, đoàn làm việc với Bộ Thông tin Campuchia, Đài Truyền hình quốc gia Campuchia, Sở Thông tin tỉnh Siem Reap. Qua đó cho thấy, Luật Báo chí của Lào và Campuchia có những điểm khác biệt so với Việt Nam.

Cục trưởng Cục Báo chí Lào cho biết: Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào là cơ quan quản lý báo in (bao gồm 6 cơ quan báo in, trong đó có 1 tờ báo bằng tiếng nước ngoài là báo Vientiane Times), tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình (bao gồm 6 đài truyền hình, trong đó có 3 đài tư nhân và 3 đài nhà nước; ngoài ra các tỉnh cũng có đài phát thanh và truyền hình riêng), các trang mạng xã hội. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân khi lập trang thông tin điện tử thì phải được bộ cấp phép và thuộc sự quản lý của nhà nước.

100% cơ quan báo chí của Lào vẫn còn sử dụng ngân sách nhà nước, không tự chủ tài chính, điều đó dẫn đến tình trạng thiếu năng động, trì trệ. Lào đang trong quá trình chuyển đổi từ Analog sang Digital, quá trình này sẽ được thực hiện trước ởcác thành phố lớn. Hiện nay, nước Lào có khoảng 5 triệu người dùng smartphone, trong đó có 3 triệu người dùng smartphone để cập nhật thông tin.

Hiện người dân Lào tiếp cận với thông tin chính thống chủ yếu thông qua báo điện tử, đài phát thanh và đài truyền hình, báo in gặp nhiều khó khăn. Cục Báo chí Lào thay mặt Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch quản lý, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí. Điều đáng lưu ý, giấy phép hoạt động báo chí Lào có thời hạn 1 năm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí Lào sau khi được cấp phép hoạt động phải đi đăng ký kinh doanh tại Bộ Công thương.

Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin Campuchia, Thứ trưởng Bộ Thông tin nước này cho biết: Campuchia có 429 tờ báo (gồm 28 tờ báo do người nước ngoài quản lý), 17 đài truyền hình, 254 đài phát thanh. Mặc dù có tới hơn 400 cơ quan báo in, nhưng hiện nay hoạt động thực sự hiệu quả chỉ có 20 tờ báo, bởi sự tác động của truyền thông xã hội. Báo chí ở Campuchia chủ yếu là báo chí tư nhân. Tổng biên tập quản lý nội dung, Ban quản lý phụ trách công tác tài chính, nguồn thu chính của báo chí là quảng cáo.

Vấn đề cấp giấy phép hoạt động báo chí và thẻ nhà báo thống nhất do Bộ Thông tin quản lý cấp phép. Tuy nhiên, sở thông tin các tỉnh được ủy quyền gia hạn giấy phép cho các cơ quan báo chí và thẻ nhà báo. Theo Luật Báo chí Campuchia, giấy phép và thẻ nhà báo chỉcó thời hạn 1 năm.

Sở không xử phạt hành chính, nhưng có quyền thu hồi giấy phép nếu các cơ quan báo chí không thực hiện đúng Luật Báo chí Campuchia. Hàng năm, Bộ Thông tin Campuchia có cuộc họp với các cơ quan báo chí để lắng nghe ý kiến về những ưu điểm, nhược điểm và những khó khăn của báo chí trong thời 4.0. Thông qua kết quả của cuộc họp, Bộ Thông tin sẽ gửi báo cáo lên Chính phủ.

Nhiều hình thức xử lý tin tức giả mạo

Đoàn công tác Việt Nam cũng được nghe rất nhiều chi tiết về tình trạng xử lý tin tức giả mạo trên các loại hình báo chí truyền thông ở Lào và Campuchia. Tại Lào, theo Luật Báo chí Lào mới sửa đổi: Từ năm 2019, các cá nhân, tổ chức… đưa tin tức giả mạo, chưa được kiểm chứng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo các mức hình phạt: cảnh báo, nặng hơn nữa là xử phạt, và nghiêm trọng nhất là bị bắt giam trong trường hợp đưa thông tin chống đối Nhà nước. Mức phạt tù giam là 2 năm, nặng nhất là 3 năm. Mức phạt tiền từ 2-20 triệu Kip Lào (tương đương 60 triệu đồng tiền Việt Nam).

Chính phủ và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đang triển khai một số hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, các cấp chính quyền tại Lào cũng sử dụng một số tài khoản cá nhân để phổ biến, tuyên truyền tới người dân các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bắt đầu từ năm 2019, chủ tài khoản các trang tin tức, trang mạng xã hội đều phải đăng ký thông tin tại Cục Báo chí, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào. Cục Báo chí sẽ có nhiệm vụ theo dõi và quản lý các tài khoản mạng xã hội này. Hiện nay đã có nhiều tài khoản facebook đăng ký thông tin tại Cục Báo chí.

Tại Campuchia, báo chí chủ yếu là báo tư nhân. Bộ Thông tin Campuchia đang tích cực giải thích, tuyên truyền cho các cơ quan tư nhân này về việc đưa tin trong quyền hạn cho phép và theo pháp luật. Về việc xử lý thông tin giả mạo trên các loại hình báo chí thì Campuchia xử lý theo Luật Hình sự và Luật Dân sự.

Buổi làm việc của đoàn với Sở Thông tin tỉnh Siem Reap (Campuchia). Ảnh: HOÀI SƠN

Hiện nay, Bộ Thông tin Campuchia đang soạn thảo Bộ luật Quản lý chế độ thông tin và sắp hoàn thành bản dự thảo của bộ luật này. Khi xuất hiện tin tức giả mạo về cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm trả lời, giải thích và yêu cầu cơ quan đưa tin phải đính chính thông tin. Nếu không thể hòa giải, đính chính lại thông tin thì sẽ đưa ra tòa và giải quyết theo Luật Dân sự hoặc Hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của thông tin đó.

Hỗ trợ trên tinh thần hữu nghị hợp tác

Trao đổi với đoàn công tác của Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí của nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia đều bày tỏ sự cảm ơn với những giúp đỡ của Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cơ quan báo chí trong việc đầu tư xây dựng, hỗ trợ, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của hệ thống đài truyền hình, đài phát thanh các cấp; tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý báo chí…

Đồng thời mong muốn trên tinh thần hữu nghị hợp tác đã có truyền thống lâu đời bền chặt, Việt Nam tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực về sơ sởvật chất, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý, phát triển báo chí… để hai nước đáp ứng được tốt hơn nhiệm vụ, công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, từ đó làm nền tảng để xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ và phát triển.

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã đi nghiên cứu, tham quan, giao lưu với kiều bào ởSiem Reap, Biển Hồ (Campuchia) tặng quà cho học sinh nơi đây và tham quan các công trình văn hóa, lịch sử, danh thắng của hai quốc gia Lào - Campuchia.

Trong không khí đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đoàn công tác của Việt Nam cùng các đơn vị của hai nước đã thẳng thắn trao đổi, tìm hiểu và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan báo chí.

Các bên cũng đã trao đổi công tác quản lý các hoạt động trên mạng xã hội, xử lý, kiểm soát các thông tin xấu độc, không đúng sự thật trên mạng xã hội, hoạt động quản lý báo chí nhà nước, báo chí tư nhân và việc làm kinh tế báo chí cũng như tồn tại, khó khăn trong các hoạt động liên quan đến hoạt động quản lý báo chí và công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay…

ThS NGUYỄN HOÀI SƠN

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/231475/quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-thoi-cong-nghe-4-0.html