Quản lý thị trường xử lý gần 10.000 vụ vi phạm trong nửa đầu năm 2025

Đây là thông tin được Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cung cấp tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 7/2025 diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội.

Cụ thể, báo cáo tại hội nghị nêu rõ, từ ngày 15/5-15/6 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 3.891 vụ, qua đó phát hiện và xử lý 3.114 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý trên 63 tỷ đồng.

Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 32 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 31 tỷ đồng (gồm trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy gần 21 tỷ đồng và trị giá hàng hóa chờ xử lý gần 10 tỷ đồng); thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ có dấu hiệu hình sự - tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 266 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 121 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vì phạm 145 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại cơ sở kinh doanh online ở Gia Lai.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại cơ sở kinh doanh online ở Gia Lai.

Một số vụ việc điển hình được Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương nhắc đến trong 6 tháng đầu năm gồm việc kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang tại các tuyến phố du lịch trung tâm thành phố Đà Nẵng ngày 20/5, tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Dior.

Đến ngày 29/5, đơn vị chức năng đã kiểm tra Saigon Square tại thành phố Hồ Chí Minh và thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất, ngày 9/6, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an Hà Nội kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cơ quan này đã đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa làm cơ sở cho việc định hướng chiến lược hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chống buôn lậu, hàng giả; xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường dùng chung trong toàn ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền kiểm tra, xử phạt của các chủ thể thuộc lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, địa bàn, lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

L.Chi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/quan-ly-thi-truong-xu-ly-gan-10-000-vu-vi-pham-trong-nua-dau-nam-2025-i775853/