Quận muốn sửa vỉa hè, nâng cấp hẻm nhỏ cũng phải đợi TP.HCM phân vốn

Thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM, nhiều quận phải đợi TP rót vốn mới có thể thực hiện các công trình nhỏ như sửa vỉa hè, nâng cấp hẻm.

Sáng 29-6, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2022.

Tại phiên họp, liên quan đến việc gần một năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết quận đang vướng mắc ở cơ chế tài chính.

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: TTBC

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: TTBC

Theo ông Thanh, khi thực hiện chính quyền đô thị, quận 1 là đơn vị dự toán ngân sách, toàn bộ ngân sách kết dư sẽ chuyển về TP. Do đó, các công trình dự án trên địa bàn quận đang chờ phân bổ và đến nay chưa được phân bổ vốn.

“Dù chỉ là công trình nhỏ như sửa chữa vỉa hè, nâng cấp đường hẻm nhưng không được ghi vốn nên quận thực hiện rất khó khăn”- ông Thanh nói.

Trong tự chủ ngân sách, hàng năm quận cần 200 tỉ đồng để tự chủ điều hành nhưng năm 2022 chỉ được phân bổ 48 tỉ đồng; sau đó phân bổ về các phường khiến các phường rất khó khăn trong tự chủ.

Ông dẫn chứng công an phường Bến Nghé giải quyết nhiều vụ tập trung đông người, đảm bảo an ninh trật tự trước cổng UBND TP, hàng năm được chi hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được 110 triệu.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP, cho biết khi thực hiện chính quyền đô thị, 16 quận trên địa bàn TP trở thành đơn vị dự toán ngân sách, khiến phát sinh các khó khăn, vướng mắc.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTBC

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTBC

Trong đó, ngân sách cấp quận không còn, không có ngân sách dự phòng, kết dư, tăng thu và các khoản chi khác để đảm bảo sự chủ động của quận trong điều hành ngân sách phục vụ cho nhiệm vụ chi, phát sinh đột xuất trong năm…

Theo bà Hà, sáu tháng qua, sở cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của quận và ngành tài chính đã phối hợp kịp thời để xử lý. “Nhiều quận khó khăn trong chủ động sử dụng kinh phí để sửa đường hẻm, không còn chủ động trong sử dụng kết dư ngân sách phục vụ cho các dự án đầu tư công mà nằm trong nghị quyết của Đảng bộ quận” – bà Hà nói.

Bà Hà thông tin ngay từ khi bắt tay thực hiện chính quyền đô thị, UBND TP đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách cho 16 quận với 749 tỉ đồng để các quận bổ sung cho các nhiệm vụ chi đột suất, phát sinh.

Vừa qua Sở Tài chính đã hướng dẫn các quận rà soát nguồn kết dư ngân sách còn lại ở địa phương, xác định chính xác danh mục dự án đầu tư công cần thiết. Từ đó, báo cáo các sở, ngành phối hợp tham mưu UBND TP bố trí vốn từ chính nguồn kết dư ngân sách này, sau đó mới từ ngân sách đầu tư công của TP.

Về dài hạn, Giám đốc Sở Tài chính cho biết TP sẽ đề xuất cơ chế đặc thù đối với ngân sách của 16 quận về việc cho phép được dự phòng ngân sách cấp quận. Đồng thời sẽ nghiên cứu, tham mưu bổ sung, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Một cán bộ Sở Tài chính phụ trách 80-160 đơn vị cấp quận

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết trước đây, cơ quan tài chính cùng cấp của 16 quận là phòng tài chính - kế hoạch của quận sẽ là đơn vị tham mưu cho UBND quận xử lý các khó khăn, vướng mắc trong điều hành nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên hiện theo quy định sẽ chuyển về cho Sở Tài chính TP.

Từ đó, đầu năm đến nay, Sở Tài chính phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn, khi xây dựng dự toán phải rà soát các khoản chi chi tiết, thẩm định phương án tự chủ tài chính của 16 quận và 960 đơn vị sự nghiệp.

Đồng thời, sở còn phải nhập phân bổ bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách của 16 quận gồm 1.400 đơn vị.

Trung bình một cán bộ của Sở Tài chính phụ trách 80-160 đơn vị cấp quận, ngoài những nhiệm vụ của cấp TP.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-muon-sua-via-he-nang-cap-hem-nho-cung-phai-doi-tp-hcm-phan-von-post686674.html