Quan ngại căng thẳng Armenia - Azerbaijan

Thời gian qua, bất chấp những nỗ lực quốc tế, căng thẳng Armenia - Azerbaijan đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Theo giới quan sát khu vực, những diễn biến tiêu cực giữa hai quốc gia láng giềng đang tạo ra nhiều nguy cơ bùng phát thêm một cuộc giao tranh.

Con đường duy nhất nối Armenia với vùng Nagorny-Karabakh đã bị chặn từ giữa tháng 12/2022. Ảnh: MARUT VANYAN

Con đường duy nhất nối Armenia với vùng Nagorny-Karabakh đã bị chặn từ giữa tháng 12/2022. Ảnh: MARUT VANYAN

Từ tháng 12/2022, người Azerbaijan đã chặn lối vào hành lang Lachin, vốn là con đường duy nhất nối vùng dân tộc Armenia ở Nagorny-Karabakh với Armenia với lý do về môi trường. Dư luận khu vực chỉ trích rằng, động thái này có sự hậu thuẫn của chính quyền Azerbaijan. Đánh giá về tình trạng người biểu tình ngăn chặn mọi hoạt động dân sự hoặc thương mại với vùng Nagorny - Karabakh, Tổ chức Ân xá quốc tế cảnh báo rằng, khoảng 120 nghìn cư dân sắc tộc Armenia không thể tiếp cận hàng hóa và các loại dịch vụ thiết yếu, bức xúc nhất là dịch vụ y tế.

Theo thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt xung đột Nagorny-Karabakh đạt được vào năm 2020, Azerbaijan cam kết đảm bảo di chuyển tự do dọc hành lang trên theo cả hai hướng. Tuy nhiên, vào tháng 2/2023, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cho rằng,Azerbaijan có những dấu hiệu vi phạm các cam kết nên đã ban hành lệnh yêu cầu Azerbaijan thực hiện các bước cần thiết để khôi phục thỏa thuận này, nhưng đến nay không có sự thay đổi.

Giới chuyên gia khu vực cho rằng, cuộc khủng hoảng có thể trở thành một thảm họa nhân đạo. Thực tế đang đặt ra yêu cầu, châu Âu và cộng đồng quốc tế cần gây sức ép buộc Azerbaijan phải dỡ bỏ phong tỏa. Bày tỏ sự quan ngại khi vùng Nagorny-Karabakh đang bị “bóp nghẹt” vì cô lập, nhiều học giả cho biết, hiện có nhiều phản ánh về việc người dân tại khu vực đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận khí đốt, điện… Điều đáng nói, một mặt, Azerbaijan phủ nhận các cáo buộc; mặt khác, từ chối cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp cận khu vực để đánh giá tình hình.

Theo giới chuyên gia quân sự quốc tế, nhìn từ cuộc giao tranh vào năm 2020 dễ thấy, Azerbaijan có lợi thế quân sự đáng kể so với Armenia. Tương tự, trong cuộc giao tranh vào tháng 9/2022, Azerbaijan nhanh chóng chiếm một số khu vực của Armenia, bao gồm cả những vị trí chiến lược gần thành phố Jermukchỉ trong 2 ngày. Vì vậy, có thể Azerbaijansẽ tự tinđạt được nhiều mục đích hơn nếu sử dụng các biện pháp quân sự thay vì thông qua đàm phán hòa bình. Đây có thể là một trong những lý do quan trọng khiến các cuộc đàm phán giữa hai bên rơi vào tình trạng đình trệ. Mặt khác, rất có thể sẽ xảy ra thêm một cuộc giao tranh trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giai đoạn 2009-2014, cựu Thủ tướng Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU) cần phải đóng một vai trò lớn hơn để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này. Trên thực tế, giới chức châu Âu gần đây đã nâng cao tầm quan trọng và dành nguồn lực chính trị đáng kể cho căng thẳng Armenia - Azerbaijan. Điển hình là sau khi xung đột tái diễn vào tháng 9/2022, EU đã cử một phái đoàn dân sự tới Armenia để giám sát biên giới với Azerbaijan.

Ông Rasmussen chỉ ra rằng, nhiệm vụ của EU mới chỉ được triển khai trên lãnh thổ Armenia, trong khi nhu cầu thực tế là cần được mở rộng quy mô để giám sát toàn bộ chiều dài biên giới Armenia - Azerbaijan. Vì vậy, cần phải có sức ép để Azerbaijan cho phép EU thực hiện hoạt động giám sát trên lãnh thổ nước này. Đặc biệt, điều này sẽ thêm áp lực buộc Azerbaijan phải ưu tiên lựa chọn đàm phán thay vì biện pháp quân sự.

Giới quan sát cho hay, căng thẳng Armenia - Azerbaijan đã là một động lực để EU xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Azerbaijan. Tuy nhiên, Azerbaijan vẫn được xem là có những nguy cơ gây tổn hại cho lợi ích của EU. Nếu Azerbaijan tiếp tục có những hành động coi thường cam kết quốc tế và các lệnh của tòa án có tính ràng buộc pháp lý từ ICJ, rất có thể nước này sẽ hứng chịu những tổn hại chính trị và kinh tế. Trên cơ sở đó, EU hiện rất cần phải can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Armenia - Azerbaijan nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột có thể đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của toàn khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-ngai-cang-thang-armenia-azerbaijan-post460181.html