Quan tâm, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Những năm qua, cùng với tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giúp các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm để tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm, Thành phố trị liệu cho trẻ tự kỷ.

Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm, Thành phố trị liệu cho trẻ tự kỷ.

Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Chiềng Lề (thành phố Sơn La) có 6 học sinh bị tự kỷ, tăng động, khuyết tật vận động; nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hòa nhập đối với trẻ khuyết tật. Cô giáo Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trẻ khuyết tật được giáo dục theo mục tiêu kiến thức, kỹ năng, nội dung chương trình đã được điều chỉnh và kế hoạch dạy học phù hợp với từng học sinh. 100% trẻ khuyết tật đang học tập tại trường được hòa nhập, kiểm tra đánh giá, động viên theo tiến bộ năng lực cá nhân, giúp các em tự tin và tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục. Hàng năm, nhà trường tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên học sinh là trẻ khuyết tật nhân dịp Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tư thục tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu, được cấp phép hoạt động để phát hiện, tư vấn, can thiệp, giúp cho nhiều trẻ khuyết tật, khó khăn về tâm lý có thể hòa nhập cộng đồng, mang lại tương lai cho trẻ và hạnh phúc cho nhiều gia đình. Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm (Thành phố), chia sẻ: Trẻ mắc bệnh về tâm lý có nhu cầu giáo dục đặc biệt, thường là trẻ mắc các dạng tật rối loạn tự kỷ, khó khăn về ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý... Những dạng tật trên có thể can thiệp, song đòi hỏi cần phải can thiệp sớm, khoa học, bài bản tại cơ sở giáo dục chuyên biệt. Trung tâm hiện đang can thiệp, trị liệu cho 80 trẻ khuyết tật, mỗi trẻ khi đến đây sẽ được kiểm tra, đánh giá và xây dựng giáo án riêng để phù hợp với năng lực, hạn chế để giáo viên có phương pháp giúp các con hòa nhập tốt hơn.

Qua số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.970 trẻ khuyết tật từ 0-18 tuổi, trong đó có trên 52% trẻ được theo học tại các trường từ mầm non đến trung học phổ thông. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn miễn giảm một số môn học, hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học. Các em được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng và được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của trường, lớp. Bên cạnh đó, các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật các vấn đề liên quan trong hoạt động hàng ngày và quá trình học tập. Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhiều nhà trường còn tổ chức đa dạng các loại hình cho học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể, như: Đôi bạn học tập; cùng bạn đến trường; trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập; tổ chức thăm hỏi, động viên trẻ khuyết tật.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện vẫn còn gần 50% trẻ khuyết tật không được đến trường học, can thiệp hòa nhập cộng đồng; đối tượng trẻ khuyết tật đến trường chưa được phân loại, chọn lọc kỹ. Hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật chưa được xây dựng, thẩm định và ban hành thống nhất gắn với thực tiễn người học. Việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học, phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khuyết tật cũng chưa được quan tâm.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xúc tiến hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh xây dựng và vận hành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) tập huấn về quản trị hệ thống, cập nhật dữ liệu lên phần mềm về giáo dục khuyết tật cho hơn 500/609 đơn vị trường học của 12 huyện, thành phố; thử nghiệm phần mềm “Quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật” tại thành phố Sơn La và huyện Sông Mã. Phấn đấu năm học 2022-2023, đưa Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Sơn La vào hoạt động.

Mục tiêu của giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong các nhà trường là hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, tạo sự công bằng cho mọi trẻ em được đến trường và làm tiền đề cho trẻ khuyết tật tự khẳng định, hòa nhập xã hội. Vì vậy, công tác này rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, nhà trường và gia đình giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-tam-giao-duc-hoa-nhap-cho-tre-khuyet-tat-51041