Quảng cáo dịch vụ tầm soát ung thư: dọa người là chính?

Từ trước đến nay, việc khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm để phát hiện bệnh ung thư sớm khi có những biểu hiện khác thường của cơ thể luôn được các chuyên gia y tế khuyến cáo với tần xuất nửa năm hoặc mỗi năm một lần để kịp thời và phát hiện bệnh, mang đến cuộc sống chất lượng hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc quảng cáo xét nghiệm, tầm soát các gói để tìm và phát hiện ung thư đang ngày càng thái quá, đánh vào tâm lý lo sợ của người dân khiến nhiều người đổ tiền đi xét nghiệm tốn kém và vô ích.

Quảng cáo đánh vào tâm lý lo lắng

Chỉ cần tra Google với từ khóa “xét nghiệm tìm ung thư”, có thể nhận được 43 triệu kết quả hiện ra với những mẩu quảng cáo đến từ bệnh viện công đến bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân… Các quảng cáo mang nội dung chủ yếu là các gói khám, tầm soát thông qua các kỹ thuật xét nghiệm máu, siêu âm, sàng lọc ung thư, xét nghiệm AND thông qua lấy máu... có thể phát hiện hàng chục bệnh ung thư. Cụ thể, bệnh nhân có thể thổi bóng để phát hiện có vi rút HP gây bệnh ung thư không; hoặc bệnh nhân được đo nồng độ protein AFP trong máu để phát hiện ung thư gan và nhiều loại ung thư khác… với giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng cho mỗi gói khám, xét nghiệm.

 Người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: H. Nhung

Người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: H. Nhung

Nhiều người dân vì nghe những thông tin về bệnh ung thư ngày càng nhiều trên các kênh truyền thông nên có tâm lý hoảng sợ, và sẵn sàng chi nhiều tiền để đưa cả gia đình đi xét nghiệm tầm soát ung thư.

Một số chuyên gia y tế cho biết, để đánh vào tâm lý của người dân, đặc biệt là những người mà trong gia đình, trong dòng họ từng có người mắc bệnh ung thư, nhiều phòng khám, bệnh viện đã đưa ra những lời cảnh báo thái quá trên trang web của mình như ung thư do di truyền, do môi trường ô nhiễm… Kèm theo đó là những chương trình khuyến mãi: nếu xét nghiệm gói V.I.P dành cho nam giới với giá hơn 8 triệu đồng sẽ được tặng 2 gói xét nghiệm, mỗi gói có giá 1 triệu đồng. Ghi nhận của TBKTSG Online tại một số phòng khám và các bệnh viện tư nhân, hoạt động khuyến mãi dành cho người xét nghiệm tầm soát ung thư đang ngày càng nở rộ.

Nhiều bác sĩ nhận định, các quảng cáo về tầm soát, xét nghiệm đang ngày càng mang nội dung thái quá khiến người dân lo sợ và đổ tiền vào các gói xét nghiệm tốn kém, bên cạnh đó là tâm lý nặng nề khi chờ đợi kết quả.

Giải pháp hữu ích đang bị lạm dụng và lợi dụng

Theo các bác sĩ, giải pháp tầm soát là để phát hiện sớm bệnh ung thư, được thực hiện trên những người bình thường, hoàn toàn không có triệu chứng mắc bệnh. Việc chẩn đoán sớm ung thư nhằm phát hiện bệnh ở một giai đoạn có thể giúp khâu điều trị đạt hiệu quả và đem lại tiên lượng tốt cho bệnh nhân, dù họ đã bắt đầu có triệu chứng lâm sàng.

BSCK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho rằng việc tầm soát ung thư là một giải pháp phù hợp và không tốn kém quá nhiều chi phí cho người bệnh nếu như được bác sĩ chỉ định đúng. Không ai tự dưng đi kiểm tra chụp chiếu, làm xét nghiệm tất cả các bộ phận trên cơ thể để tìm bệnh ung thư. Điều này gây tốn kém và không hiệu quả.

Tầm soát được áp dụng khi chủ thể chưa bị ung thư mà các tế bào đang ở giai đoạn tiền ung thư và phải có sự chỉ định của bác sĩ theo từng độ tuổi. Mỗi người chỉ cần sử dụng một gói xét nghiệm căn bản như: chụp XQ phổi, siêu âm tổng quát, soi đại- trực tràng, Pap và HPV, xét nghiệm dầu ấn ung thư với chi phí vào khoảng 2 triệu đồng với tần suất 1-2 năm để phát hiện ra ung thư giai đoạn đầu. Điều này có thể giúp người bệnh được điều trị kịp thời và hết bệnh, giải pháp này giúp người dân an tâm rằng bản thân không bị ung thư (với tỷ lệ trên 90%) trong khoảng thời gian 1-2 năm. Việc tầm soát nên được thực hiện theo định kỳ và có sự chỉ định của bác sĩ. Ví dụ, phụ nữ trên 21 tuổi được khuyến cáo nên tầm soát ung thư cổ tử cung; phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú; những người trên 50 tuổi có thể tầm soát ung thư đại trực tràng…

Theo một bác sĩ chuyên khoa về ung bướu tại TPHCM, “trong khi Bộ Y tế chưa có một chiến lược hoàn chỉnh về tầm soát ung thư, người dân đang tự cứu lấy mình bằng cách tìm tới các gói tầm soát ung thư của nhiều bệnh viện, phòng khám. Có thể nói, tầm soát ung thư như trăm hoa đua nở, từ gói tổng quát đến chuyên khoa, từ gói "thường dân" đến "quý tộc", từ khuyến mãi giảm giá đến tặng kèm dịch vụ du lịch... đủ cả. Mỗi gói khám đại loại đều gồm thử máu, chụp hình và khám - chỉ khác số lượng nhiều ít. Điều đáng ghi nhận là những gói khám ung thư như thế này ít gặp trên thế giới, vì nó đi ngược lại y đức và không có cơ sở khoa học".

Vị bác sĩ nói trên cũng cho rằng các gói tầm soát được xây dựng theo khả năng chi trả mà không phải theo nhu cầu. Người có tiền thì tầm soát cẩn thận, người ít tiền thì tầm soát sơ sài. Vậy liệu có thực sự hữu hiệu? Chưa kể, gói soát cũng giống như "bán sỉ" dịch vụ, trong đó có hàng quá date ( những phương pháp không còn được dùng), hàng kém chất lượng (phương pháp không được công nhận dùng để tầm soát) và hàng tặng kèm không có giá trị (những xét nghiệm vô thưởng vô phạt không có giá trị tầm soát).

Những ví dụ rất thường gặp là chụp XQ phổi để tầm soát ung thư phổi, nhưng hiện phương pháp này không còn được dùng vì không thể phát hiện hay chẩn đoán sớm. Phổ biến nhất là sự lạm dụng các xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư, vốn đã được xác nhận là không có giá trị tầm soát vì tỷ lệ dương tính giả/âm tính giả quá cao, nhưng vẫn được quảng cáo là có khả năng tìm ra đủ loại ung thư.

Theo BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, không khó nhận thấy hiện nay có rất nhiều gói tầm soát ung thư được quảng cáo khắp nơi, tuy nhiên, hầu hết đều mang tính kinh doanh là chính, thiếu tính khoa học và không giúp ích cho người được tầm soát.

Chẳng hạn việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… đều không có cơ sở khoa học do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính, hoặc nhiều người thật sự bị khối u nhưng xét nghiệm vẫn bình thường do đó kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người được xét nghiệm.

Việc lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức y tế quốc tế nào khuyên dùng.

Do đó, bác sĩ Vũ khuyến cáo, không nên quá lạm dụng và quá tin tưởng vào các xét nghiệm vì hiện nay không có một xét nghiệm nào giúp pháp hiện tuyệt đối ung thư.

Hoàng Nhung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290020/quang-cao-dich-vu-tam-soat-ung-thu-doa-nguoi-la-chinh.html