Quảng Ngãi phát triển công nghiệp và định hướng trở thành Trung tâm lọc hóa dầu

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng rất cao (98%), giữ vai trò chủ lực và là điểm sáng trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để phục vụ cho việc xây dựng các Đề án sơ kết thực hiện Nghị quyết số 23 về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Vai trò ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2023 của tỉnh đạt 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2018 của tỉnh này đạt 37,5%, năm 2023, đạt 42,3%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ năm 2018 chiếm 50,9%, đến năm 2023 chiếm 67% lao động toàn tỉnh.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương tham quan và chụp hình tài Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương tham quan và chụp hình tài Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng rất cao (98%), giữ vai trò chủ lực và là điểm sáng trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, ngành công nghiệp lọc- hóa dầu chiếm 40% với hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngành luyện kim, sản xuất kim loại chiếm 25% với hạt nhân là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 8 khu công nghiệp trong và ngoài Khu kinh tế Dung Quất với tổng diện tích hơn 2.000 ha, tỉnh có 24 cụm công nghiệp diện tích 427 ha. Tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút 490 dự án công nghiệp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 420 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", tỉnh Quảng Ngãi đã cụ thể hóa thành các Đề án, Kế hoạch để triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến nay, internet băng thông rộng phủ 100% các xã, phường; Hệ thống quản lý văn bản Q-office tập trung được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách tách các dự án đầu tư vào vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp với các dự án tái định cư; Đề nghị Trung ương có cơ chế ngân sách hỗ trợ có mục tiêu hằng năm cho Khu kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10% - 15% số thu trên địa bàn nộp về Ngân sách Trung ương để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Trung ương cần có cơ chế đặc thù để tập trung xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương đối với một số thủ tục liên quan đến thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư phát triển công nghiệp tại Quảng Ngãi: “Khu kinh tế Dung Quất gần như thu thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu của Trung ương trên địa bàn nộp về Trung ương 100%, nhưng hạ tầng của tỉnh, tỉnh cũng đầu tư vào đây khá nhiều. Nhưng với mức độ phát triển hiện nay và trong tương lai, rất mong Trung ương có sự quan tâm, hỗ trợ lại từ các nguồn thu từ Khu Kinh tế Dung Quất để đầu tư, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Năm ngoái thu hơn 8000 tỷ đồng và năm nay đến thời điểmm này thu 5000 tỷ đồng”.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng báo cáo sơ kết Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Các kiến nghị của tỉnh đã phản ánh đúng thực tế không chỉ tại Quảng Ngãi mà còn đúng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định, đối với những đề xuất, kiến nghị mang tính cấp thiết của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tách báo cáo chuyên sâu để kiến nghị giải quyết trong thời gian sớm nhất: “Cơ chế hỗ trợ lại địa phương từ nguồn thu của Trung ương từ một số dự án trọng điểm quốc gia là đúng, chúng tôi tiếp thu và sớm kiếm nghị. Những vướng mắc liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, đầu tư cho chuyển đổi số, cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất đáng suy nghĩ phải cải tiến cơ chế, chính sách. Rồi đồng bộ liên quan đến phân cấp, phân quyền, cho các địa phương phải phân cấp phân quyền đồng bộ. Phân cấp phân quyền phải thật sự và phải giải quyết căn bản đúng theo Nghị quyết là cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đấy thực hiện”.

Chiều nay, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đi kiểm tra thực tế, làm việc với Nhà máy thép Hòa Phát và Nhà máy lọc dầu ở Khu Kinh tế Dung Quất để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cùng những kiến nghị, đề xuất liên quan đến quá trình triển khai các dự án.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-ngai-phat-trien-cong-nghiep-va-dinh-huong-tro-thanh-trung-tam-loc-hoa-dau-post1104332.vov