Quảng Ninh xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai thường niên đánh giá xác định Chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI và ICT tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cơ quan Trung ương trên địa bàn. Đến nay, sau 9 năm đều đặn tổ chức, các chỉ số đều ghi nhận những chuyển biến tích cực và ngày càng được cải thiện. Việc triển khai đánh giá cũng giúp tỉnh nhận diện thêm dư địa, không gian cải cách để tiếp tục hoàn thiện nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Hiệu quả cải cách hành chính tiếp tục nâng cao

Kết quả đánh giá các Chỉ số kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số đo lường sự hài lòng, chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện và đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử năm 2021 mới đây cho thấy: Hầu hết các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận sự cải thiện so với năm 2020.

Cụ thể, đối với chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), ở khối các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt 88,54 điểm, tăng 1,31 điểm so với năm 2020. Trong đó, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đạt điểm cao nhất (91,7 điểm); Sở Tài nguyên và Môi trường đạt điểm thấp nhất (81,96 điểm). Ở khối 13 địa phương, điểm trung bình đạt 89,4 điểm (thị xã Đông Triều đạt cao nhất với 92,7 điểm; huyện Cô Tô đứng cuối bảng xếp hạng với 85,8 điểm). Khối 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có điểm trung bình là 89 điểm (Kho bạc Nhà nước tỉnh đạt điểm cao nhất 94,3; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt điểm thấp nhất (74,72 điểm). Ở khối 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh lần đầu tiên được đưa vào chấm điểm, điểm trung bình đạt 70,2 điểm (Trường Đại học Hạ Long là đơn vị dẫn đầu với 79,2 điểm; Trường Cao đẳng Việt - Hàn đứng cuối bảng xếp hạng (59,46 điểm).

Về chỉ số SIPAS, tỷ lệ trung bình đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất, đạt 96,11%; khối huyện, thị, thành phố có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 94,55%; khối sở, ban, ngành có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 93,3%

Về chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), điểm trung bình các huyện, thị xã, thành phố đạt được là 72,78 điểm, cao hơn 3,91 điểm so với năm 2020. Trong đó, có 12/13 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc và 1 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm tốt. Có 7/8 trục nội dung có điểm trung bình tăng và 1 trục nội dung giảm điểm so với năm 2020. TP. Uông Bí là đơn vị đạt điểm cao nhất với (75,24 điểm); huyện Cô Tô đạt điểm thấp nhất (69,77 điểm).

Đối với chỉ số mức độ Chính quyền điện tử (ICT) năm 2021, đối với các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt được là 88 điểm, cao hơn 12 điểm so với năm 2020. Đây cũng là điểm trung bình mức độ Chính quyền điện tử đạt được cao nhất từ trước đến nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu trong chỉ số này với 111 điểm. Đối với các huyện, thị, thành phố, điểm trung bình đạt 138 điểm/190 điểm của Bộ tiêu chí; cao hơn 8 điểm và tăng 5% so với điểm trung bình năm 2020. UBND TP. Uông Bí đứng ở vị trí đầu tiên với 157,77 điểm. Ở đơn vị cấp xã, mức độ Chính quyền điện tử lần đầu tiên đạt mức khá, đạt điểm trung bình 71,33 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2020.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chỉ số CCHC năm 2021 vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại hội nghị vừa qua

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chỉ số CCHC năm 2021 vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại hội nghị vừa qua

Ảnh: Q.M.G

Không gian, dư địa cải cách còn rộng mở

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công bố các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2021 mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh khẳng định: Công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả quản trị cấp huyện luôn được tỉnh xác định là việc làm lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở.

Với tinh thần ấy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu cần đặc biệt quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9.4.2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5.2.2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nghiên cứu đổi mới quy trình giải quyết TTHC tại các Trung tâm Hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp xã theo hướng hiện đại hóa, số hóa, tận dụng tối đa tính ưu việt của dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng và dịch vụ bưu chính công ích... Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Khuyến khích đổi mới, sáng tạo theo tinh thần “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh cần nhanh chóng tổ chức tự kiểm điểm, đánh giá, phân tích, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng Chính quyền điện tử năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần bám sát các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Trước mắt, nhanh chóng hoàn thiện việc cập nhật, đồng bộ 25 TTHC thiết yếu theo yêu cầu của Đề án lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tập trung triển khai thực hiện đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo...

SƠN NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quang-ninh-xay-dung-nen-hanh-chinh-chuyen-nghiep-hien-dai-pcrts4qqf5-82285