Quảng Sơn - Nơi những cánh rừng xanh mãi

Sáng cuối năm, đứng trên đỉnh dốc Cổng Trời (bon Sa Na, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), phóng tầm mắt nhìn về phía xa xăm, nơi bình minh đang dần ló rạng, giữa mênh mông mây trắng, nắng vàng là màu xanh ngút ngàn, thăm thẳm của những cánh rừng nguyên sinh bao la, rộng lớn.

Bên những mầm xanh căng tràn nhựa sống, vươn mình theo gió đung đưa, đàn chim kơ tia tung cánh đón xuân về.

Trong tiết trời xuân ấm áp, trong lành, đi giữa bạt ngàn xanh, trò chuyện cùng Trung tá Trịnh Quang Lâm - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Quảng Sơn (Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Quân khu 5), đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ, phát triển những cánh rừng, chúng tôi được biết, suốt 20 năm qua, tuy gặp phải không ít khó khăn, thách thức, hiểm nguy, song các cán bộ, nhân viên Đoàn Quảng Sơn vẫn ngày đêm bám đất, bám rừng, đồng hành, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số trong vùng vượt khó vươn lên, góp phần xây dựng bon, làng ngày càng khởi sắc, an vui.

 Cán bộ, nhân viên Đại đội 531 tuần tra bảo vệ rừng.

Cán bộ, nhân viên Đại đội 531 tuần tra bảo vệ rừng.

Mở tấm bản đồ địa hình, anh Lâm cho biết: “Đoàn Quảng Sơn hiện quản lý 15 tiểu khu với hơn 8,2 nghìn ha rừng nguyên sinh, đất lâm nghiệp và đất khác, nằm trên địa bàn huyện Đắk Glong và Krông Nô. Trước đây, lợi dụng tình trạng di dân tự do, giao thông đi lại khó khăn, hành lang phân định chưa cụ thể, kẻ xấu thường lén lút xâm nhập khai thác gỗ, cây cảnh và đánh bẫy, săn bắn thú rừng. Tình trạng người dân tìm cách lấn chiếm đất rừng để canh tác hoặc mua đi bán lại thi thoảng vẫn xảy ra. Trước thực trạng đó, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ rừng, đồng thời tổ chức phân định, cắm mốc, tạo lằn ranh ngăn cách, chống lửa, tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, nhờ vậy, đến nay tình trạng này cơ bản đã chấm dứt. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, Đoàn Quảng Sơn là một trong những đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tốt nhất trên địa bàn của tỉnh”.

Dẫn chúng tôi lên thăm các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại Chốt bảo vệ rừng số 1, cách sở chỉ huy đoàn gần 40 cây số, Thiếu tá QNCN Trần Công Định - Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ rừng 531 chia sẻ: “Đây là một trong 7 chốt chính của đơn vị nên được đầu tư, xây dựng khá kiên cố, còn các chốt phụ, chủ yếu vẫn là tranh tre, gỗ ván. Thực hiện nhiệm vụ nơi rừng thiêng nước độc, cách xa khu dân cư, nên anh em rất ý thức trong việc đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi cải thiện đời sống hằng ngày. Rừng Quảng Sơn nhiều cây cối, chim muông, gỗ quý nên quanh năm, suốt tháng, kể cả cao điểm lễ Tết, chúng tôi vẫn phải tăng cường túc trực và bảo vệ, quyết tâm không để mất rừng. Lũ quét, lũ ống, ruồi vàng, muỗi, vắt, kiến ba khoang, sâu róm, cháy rừng, thiếu nước sinh hoạt chúng tôi đã quá quen rồi”.

Trong rừng Quảng Sơn hiện nay vẫn còn rất nhiều cây cổ thụ và gỗ quý.

Trong rừng Quảng Sơn hiện nay vẫn còn rất nhiều cây cổ thụ và gỗ quý.

Cả cuộc đời quân ngũ gắn bó với những cánh rừng, anh Định kể, dịp trước Tết, các đối tượng thường lén lút đột nhập vào rừng khai thác phong lan, cây cảnh, mai và đặt bẫy hươu, nai, chồn sóc về bán lấy tiền tiêu, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, đơn vị phải huy động tối đa quân số, ngày đêm tuần tra, chốt chặn, khóa chặt các ngả đường dẫn vào rừng. “Sáng mồng 1 Tết, sau bữa cơm đầu Xuân đơn sơ, giản dị, các tổ, chốt sẽ lại tiếp tục cơm nắm, cơm vắt lên đường làm nhiệm vụ. Ăn Tết trong rừng Quảng Sơn, tuy vất vả nhưng vui lắm. Mấy hôm nữa được nghỉ chờ hưu theo chế độ, tôi sẽ buồn và nhớ nơi này nhiều lắm”, anh Định thổ lộ.

Từ Lai Châu đưa vợ con vào Quảng Sơn lập nghiệp, trước đây, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, đã có lần anh Giàng A Thanh (51 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Đắk Snao) bị kẻ xấu rủ rê tham gia chặt hạ cây rừng trái phép, bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Được cán bộ, chỉ huy Đoàn Quảng Sơn và các lực lượng chức năng của địa phương đến tận nhà nhắc nhở, giải thích, dần dần anh Thanh đã nhận thức được hành vi sai trái và cam kết sẽ không tái phạm. Đến nay, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Đoàn và bản tính chịu thương, chịu khó, điều kiện kinh tế gia đình anh đã dần ổn định hơn. “Rửa tay gác kiếm”, anh luôn tích cực tuyên truyền vận động để bà con, họ hàng thân thích tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Những ngày cuối năm, công việc bộn bề, song bộ đội Đoàn Quảng Sơn vẫn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết, khám chữa bệnh, tặng quà, phát thuốc cho hàng trăm hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ, phát triển rừng.

Bài, ảnh: NGUYỄN THUẬN AN KHANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/quang-son-noi-nhung-canh-rung-xanh-mai-651386