Quảng Trị: Gắn kết với cộng đồng, doanh nghiệp tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.880 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 17.200 tỷ đồng và trên 500 chi nhánh, 50 văn phòng đại diện, 178 địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động.

Sản phẩm tinh dầu lạc của Công ty TNHH MTV Từ Phong tham gia phiên chợ hàng việt để phục vụ nhân dân.

Nhìn chung, các doanh nghiệp, doanh nhân đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành quả đáng kích lệ trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và hơn hết, trong quá trình kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, đồng thời gắn kết, giúp đỡ cộng đồng, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo...

Thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thị trường, chính sách tài chính, tín dụng thắt chặt đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tỉnh. Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cải tiến công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước để giải quyết việc làm, thu nhập, đảm bảo các chế độ chính sách cho nhiều lao động, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước. Những nỗ lực đó đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Trị ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tính đến cuối năm 2015, các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 46% tổng sản phẩm trong toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động; trung bình hàng năm đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách địa phương.

Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đã gắn kết các doanh nghiệp trên địa bàn lại với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiệp hội đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia ký kết giao ước thi đua theo các khối, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phát động thi đua trong nội bộ doanh nghiệp với nhiều hình thức thích hợp. Nhờ có nội dung hoạt động thi đua yêu nước cụ thể, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế nên được đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động hưởng ứng tích cực. Các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cải tiến quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia phong trào thi đua tiết kiệm năng lượng, tiêu hao vật tư, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong và ngoài nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua đó đã thực sự phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa khá rộng, góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Cùng với những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Trị đã tích cực tham gia và đóng góp ủng hộ hàng chục tỷ đồng mỗi năm vào các công tác an sinh xã hội như: xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, tham gia chương trình nối vòng tay nhân ái, chương trình “Tiếp sức đến trường”, quỹ khuyến học, nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, các cháu mồ côi, ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Mới đây, trong chương trình “Cặp lá yêu thương”, được tổ chức vào đầu tháng 7/2016, tại tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Yên Loan, (có trụ sở tại TP Đông Hà) đã nhận đỡ đầu cho ba em nhỏ là chị em ruột trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số ở tại xã A Ngo, huyện Đakrông.

Lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành đánh giá cao các sản phẩm do doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, sản xuất DNTN Ngọc Tuấn (thị trấn Cửa Tùng) cũng là một đơn vị đi tiên phong trong việc sát cánh cùng nhiều ngư dân vùng bãi ngang ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, nhất là ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng cùng đồng hành ra khơi. Doanh nghiệp không chỉ cho ngư dân tạm ứng tiền thu mua hải sản để có thêm điều kiện ra khơi bám biển dài ngày mà còn có đội thuyền hoạt động hậu cần nghề cá ra biển thu mua hải sản tận nơi cho bà con. Ngoài ra, DNTN Ngọc Tuấn cũng làm rất tốt các chương trình nhân ái như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thường xuyên tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng.

Hay như Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã biết cách gắn kết doanh nghiệp với nhà nông trong quá trình trồng và tiêu thụ sắn, ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa). Từ đó tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống của bà con nhân dân. Công ty TNHH MTV Từ Phong (chuyên sản xuất tinh dầu lạc, đóng tại địa bàn huyện Cam Lộ) cũng có nhiều gắn kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với người trồng lạc trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng và toàn địa bàn nói chung. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc giúp đỡ người dân nghèo phát triển sinh kế bền vững, sớm thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Những việc làm đó của doanh nghiệp đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng, tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tham gia có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn.

Nói về câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không thể không nhắc đến ý thức bảo vệ môi trường. “Thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và quán triệt đến các doanh nghiệp về những nội dung trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đã chú trọng hơn trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực khắc phục những hạn chế trong vấn đề xử lý chất thải để hướng đến sản xuất, kinh doanh bền vững, đảm bảo yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng hướng dẫn các đơn vị lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo đúng yêu cầu tại Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Dương Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Tân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho biết.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong việc xử lý chất thải sản xuất, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng, đặc biệt là công tác quản lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp đã chủ động báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị nào có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại mà phải nhờ đến các đơn vị bên ngoài nên gây tổn thất kinh tế, khó khăn cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị nên giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ tốt môi trường, hướng đến phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Hữu Tiến

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quang-tri-gan-ket-voi-cong-dong-doanh-nghiep-tich-cuc-tham-gia-bao-ve-moi-truong.html