Quen ăn đồ sống có dễ bị nhiễm ký sinh trùng?

Bạn đọc VÕ TÂN TIẾN (44 tuổi, ở Gia Lai) hỏi: 'Tôi quen ăn đồ sống, gần đây thấy da phát ban đỏ, ngứa. Không biết có phải tôi bị nhiễm ký sinh trùng hay không?'.

ThS-BS TRẦN THIÊN TÀI, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Nhiễm ký sinh trùng là bệnh âm thầm, do các loài ký sinh trùng xâm nhập và trú ẩn trong người nhiều năm sinh sôi, nảy nở, hút dinh dưỡng, máu.

Ở nước ta, tỉ lệ nhiễm các loại giun sán là khoảng 30%; riêng tại một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, tỉ lệ này cao hơn, với khoảng 50%. Có 3 nhóm ký sinh trùng: Nhóm sinh vật đơn bào như amip, trùng roi; nhóm giun sán (chiếm tỉ lệ cao nhất) như giun đũa, giun cóc, giun móc, giun kim, sán lá gan, sán lá phổi, sán lợn...; nhóm ngoại sinh trên da như chí, rận, rệp, ve... Hai con đường chính để ký sinh trùng xâm nhập là qua tiêu hóa và tiếp xúc qua da.

Khi ký sinh trùng vào cơ thể trú ẩn sẽ gây nên tình trạng lâm sàng đặc trưng, triệu chứng rất đa dạng từ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nhiễm ký sinh trùng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bệnh nhân có cảm giác như mệt mỏi, sốt nhẹ, dễ nhầm cảm cúm, sụt cân, đau bụng, rối loạn tiêu hóa...

Người sống trong môi trường có yếu tố dịch tễ, có thói quen ăn đồ sống, nuôi nhiều chó mèo, môi trường kém vệ sinh... có nguy cơ nhiễm cao. Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là phát ban, dị ứng, ngứa, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy mạn tính kéo dài hoặc táo bón kéo dài. Trường hợp có bướu giun to sẽ gây tắc nghẽn ruột. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ khi bị nhiễm sẽ có biểu hiện nghiến răng, kể cả trong giấc ngủ.

Trường hợp như bạn cần đi khám, xét nghiệm để biết chính xác. Lưu ý vệ sinh môi trường sống xung quanh, kiểm soát thói quen ăn uống sinh hoạt, nguồn nước, đặc biệt ăn đồ sống...

Xuân Thu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quen-an-do-song-co-de-bi-nhiem-ky-sinh-trung-196231211201303636.htm