Quốc gia nào dẫn đầu về phát triển du lịch và lữ hành?

5 quốc gia hàng đầu hiện nay về ngành lữ hành và du lịch là Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp và Australia, theo xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024.

Theo số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cuối tháng 5, 10/119 nền kinh tế toàn cầu có Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành tốt nhất lần lượt là Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Australia, Đức, Anh, Trung Quốc, Italy, Thụy Sĩ. Trong đó, 3 vị trí dẫn đầu của năm 2024 không thay đổi so với kỳ công bố trước đó.

Dù vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Mỹ, nhưng số lượng các nền kinh tế châu Âu đã "áp đảo" trong top 10 nền kinh tế hàng đầu về du lịch và lữ hành. Trong số 30 quốc gia có chỉ số hàng đầu vào năm 2024, 26 quốc gia là các nền kinh tế có thu nhập cao, 19 quốc gia ở châu Âu, 7 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, 3 quốc gia ở châu Mỹ và một quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Một số điểm đến mới nổi như Indonesia, Brasil và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng Trung Quốc lọt vào nhóm đầu của bảng xếp hạng.

Sự phục hồi của ngành lữ hành và du lịch kể từ sau đại dịch Covid-19 diễn ra không đồng đều. Chỉ có 71/119 nền kinh tế được xếp hạng đã cải thiện điểm số vào năm 2023 so với năm 2019, tuy nhiên mức cải thiện trung bình chỉ cao hơn 0,7% so với mức trước đại dịch. Trong số đó, các nước đang phát triển chiếm tới 52/71 nền kinh tế có chỉ số tốt hơn năm 2019. Trung Đông có tỷ lệ phục hồi cao nhất về lượng khách du lịch quốc tế (cao hơn 20% so với năm 2019), trong khi châu Âu, châu Phi và châu Mỹ đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ đạt khoảng 90% vào năm 2023.

Thành phố San Francisco ở bang California, Mỹ.

Thành phố San Francisco ở bang California, Mỹ.

Khoảng cách trong ngành du lịch toàn cầu

Nhìn chung, kết quả do WEF công bố năm 2024 thể hiện rằng các nền kinh tế có thu nhập cao tiếp tục có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển du lịch. Điều này được hỗ trợ bởi môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường lao động năng động, chính sách du lịch cởi mở, cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch cũng như các điểm tham quan thiên nhiên, văn hóa đã được phát triển tốt.

WEF cảnh báo rằng ngành du lịch cần được đầu tư đáng kể, nếu muốn thu hẹp khoảng cách về điều kiện thuận lợi và thị phần giữa các nước đang phát triển và các nước thu nhập cao. Giải pháp khả thi cho vấn đề này là tận dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vốn ít tương quan với mức thu nhập của quốc gia, và có thể mang lại cho các nền kinh tế đang phát triển cơ hội vươn lên dựa vào du lịch.

Giáo sư Iis Tussyadiah từ Đại học Surrey (Vương quốc Anh) - đơn vị hợp tác với WEF xây dựng báo cáo này nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế, để xây dựng một môi trường mạnh mẽ cho ngành du lịch và lữ hành phát triển. "Lĩnh vực này có tiềm năng lớn để thúc đẩy sự thịnh vượng và giảm thiểu rủi ro toàn cầu, nhưng tiềm năng đó chỉ được hiện thực hóa đầy đủ thông qua cách tiếp cận chiến lược và toàn diện".

Rất đông người dân và du khách tham dự một sự kiện tại Bangkok, Thái Lan

Rất đông người dân và du khách tham dự một sự kiện tại Bangkok, Thái Lan

Còn nhiều thách thức

Theo WEF, mặc dù ngành du lịch đã vượt qua cú sốc từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức bên ngoài khác. Nhiều rủi ro phức tạp bao gồm những bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế, lạm phát và thời tiết khắc nghiệt. Cân bằng giữa tăng trưởng với tính bền vững cũng vẫn là một vấn đề lớn với ngành du lịch do tính thời vụ cao, tình trạng quá tải và mức phát thải có thể quay lại như trước đại dịch.

Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động đang diễn ra, cũng như năng lực hàng không, vốn đầu tư, hiệu suất và các yếu tố khác về cung ứng cho ngành đã không theo kịp nhu cầu tăng cao. Sự mất cân bằng này trở nên tồi tệ hơn do lạm phát toàn cầu, đã làm tăng giá cả và các vấn đề về dịch vụ du lịch.

WEF đề xuất các quốc gia nên ưu tiên các hành động như: thúc đẩy du lịch cho các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên; đầu tư vào lực lượng lao động lành nghề, toàn diện; có chiến lược quản lý hành vi của du khách và phát triển cơ sở hạ tầng; khuyến khích trao đổi văn hóa giữa du khách và cộng đồng địa phương; sử dụng ngành du lịch để thu hẹp khoảng cách số trong xã hội.

Các quyết sách trong ngành du lịch phải dựa trên chiến lược dài hạn, thận trọng trong quy hoạch phát triển, cân nhắc những chính sách và cả sự đánh đổi sao cho mang lại sự cân bằng tốt nhất giữa tăng trưởng và tính bền vững cho các điểm đến du lịch. WEF cũng đánh giá cao một số tổ chức quản lý điểm đến đang hướng tới cách tiếp cận ưu tiên chất lượng hơn việc đếm số lượng du khách.

Nam Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/tu-van/quoc-gia-nao-dan-dau-ve-phat-trien-du-lich-va-lu-hanh-post1098168.vov