Quốc hội biểu quyết thông qua 4 Luật

Sáng 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển, QH biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Kết quả, 90,68% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 17/6.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 17/6.

Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, QH đã chính thức thông qua dự thảo luật với 92,34% ĐBQH biểu quyết tán thành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có bố cục gồm 3 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Sau đó, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc. Tại phiên họp, các ĐBQH đều nhất trí cao với việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các ý kiến tham gia thẩm tra đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ.

Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, các ĐBQH đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc nâng Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH để nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Luật và sẽ tiếp tục trình QH xem xét thông qua tại Kỳ họp tới.

* Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Kết quả, 92,34% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Với đa số ĐBQH biểu quyết tán thành, QH đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Sau đó, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/142698/-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-4luat.htm