Quốc hội Nhật Bản bầu lại Thủ tướng: Đưa đất nước vào quỹ đạo mới

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã vượt qua cuộc 'sát hạch' đầu tiên thành công, khi ông được Quốc hội nước này bầu lại làm Thủ tướng. Sự kiện trên mở ra cơ hội hiện thực hóa những giải pháp táo bạo để đưa đất nước Mặt trời mọc bước vào một quỹ đạo mới, xứng đáng là thế lực kinh tế hùng mạnh của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và nội các mới ra mắt tại thủ đô Tokyo.

Trong cuộc họp đặc biệt của Quốc hội Nhật Bản ngày 10-11, tân Chủ tịch Hạ viện Hiroyuki Hosoda đã tuyên bố ông Kishida Fumio - Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền - tiếp tục được Quốc hội Nhật Bản bầu giữ chức Thủ tướng. Động thái này diễn ra sau khi LDP giành được đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 31-10, với 261 trong tổng số 465 ghế, duy trì đa số ghế tuyệt đối ổn định ở cơ quan lập pháp này.

Ngay sau khi được bầu, Thủ tướng K.Fumio đã công bố danh sách nội các mới, với sự thay đổi duy nhất là tân Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi thay thế ông Toshimitsu Motegi, người chuyển sang giữ chức Tổng Thư ký LDP. Với việc duy trì hầu hết các vị trí bộ trưởng và tương đương, nội các mới sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp tục thực hiện lộ trình chinh phục sự tín nhiệm của người dân. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Đài Truyền hình NHK, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nhật Bản đối với chính phủ hiện nay là 53%, cao hơn 5% so với thời điểm một tuần trước cuộc bầu cử Hạ viện.

Kết quả của cuộc “sát hạch” đồng nghĩa với việc Thủ tướng Kishida Fumio giờ đây đã sẵn sàng bắt tay vào xử lý các thách thức, trong đó có việc đưa Nhật Bản trở lại quỹ đạo phát triển mới. Trước đây, nhà lãnh đạo này từng khẳng định chính sách định hình kinh tế của Nhật Bản gần một thập kỷ qua tuy có thể mang lại tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm, nhưng không tạo ra đà tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chính sách kinh tế mới của tân Thủ tướng Kishida Fumio sẽ lấy điểm nhấn là ưu đãi thuế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để cải thiện thu nhập của người lao động, hướng tới hợp tác công - tư sâu rộng hơn.

Cùng với đó, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trong việc sở hữu “công nghệ thiết yếu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu”. Cách làm này hứa hẹn mang tới những đột phá cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đang có dấu hiệu chững lại. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2021 có thể chỉ đạt 2,4%, thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển và thua xa mức dự báo toàn cầu 5,9%.

Tiếp tục đảm nhận vai trò Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida Fumio và nội các của mình phải tìm cách vượt qua đại dịch Covid-19, đặc biệt là khắc phục những bất cập mà hệ thống y tế đã bộc lộ trong giai đoạn ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 5. Trong những ngày tới, Nhật Bản sẽ triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để thông qua ngân sách bổ sung dự kiến lên tới 30.000 tỷ yên (tương đương 266 tỷ USD) cho năm tài khóa 2021, trong đó có các biện pháp kích thích nhằm giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19.

Để bảo đảm kinh tế đi theo đúng hướng, Nhật Bản cũng phải giải bài toán khó về mặt đối ngoại. Bên cạnh việc củng cố các quan hệ hợp tác truyền thống, giờ là lúc Nhật Bản cần sớm ổn định quan hệ với Trung Quốc - một đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời củng cố năng lực quốc phòng và tham gia giải quyết hài hòa các vấn đề "nóng" trong khu vực.

Sự tín nhiệm ngày càng cao đối với tân Thủ tướng và nội các mới của Nhật Bản cho thấy kỳ vọng của người dân về một thế hệ lãnh đạo mới. Họ tin tưởng bộ máy chính phủ mới sẽ giúp đất nước Mặt trời mọc sớm trở lại quỹ đạo phát triển, xứng đáng là thế lực kinh tế hùng mạnh của khu vực và tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của thế giới.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1017271/quoc-hoi-nhat-ban-bau-lai-thu-tuong-dua-dat-nuoc-vao-quy-dao-moi