Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành

Tổng chiều dài 128,8km, chia thành 5 dự án thành phần

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 28/6, với 464/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án nhằm mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên.

Về phạm vi và quy mô, dự án có tổng chiều dài khoảng 128,8km, chia thành 5 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 12ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.041ha; đất ở khoảng 12ha; đất rừng sản xuất khoảng 46ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 10.536,5 tỷ đồng, trong đó: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 8.770 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.766,5 tỷ đồng.

Vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Bình Phước là 1.233,5 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện, dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành được thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt

Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt trong triển khai, thực hiện dự án. Cụ thể, cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án đến hết năm 2026.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần 2, 3, 4 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thành phần 5 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức thẩm định dự án theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Dự án thành phần 1 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Quốc hội cũng cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và theo hướng dẫn của Chính phủ.

Ngoài ra, trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án; quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và thực hiện các cơ chế đặc thù tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-hoi-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-du-an-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-5013134.html