QUỐC HỘI XEM VIDEO BÁO CÁO KẾT QUẢ GIẢI TRÌNH VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT SINH HOẠT VÀ QUẢN LÝ AN TOÀN HỒ ĐẬP

Theo chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, sáng 04/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Mở đầu phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã xem video clip báo cáo kết quả giải trình về 'An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập'.

Tài nguyên nước dồi dào nhưng vẫn thiếu nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nguồn tài nguyên nước khá phong phú. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ ài nguyên và Môi trường thì hiện cả nước có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có khoảng 63% lượng nước sản sinh từ ngoài lãnh thổ chảy vào Việt Nam và 37% lượng nước sản sinh trong nội địa. Lượng mưa bình quân khoảng 1.940-1.960mm/năm - thuộc các quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới (tương đương với khoảng 640 tỷ m3), tạo ra nguồn nước mặt dồi dào. Theo đánh giá về cơ bản, trữ lượng nguồn nước của nước ta tương đối phong phú, bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Quốc hội xem video clip báo cáo kết quả giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”

Quốc hội xem video clip báo cáo kết quả giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”

Qua giám sát cũng nhận thấy một số thách thức đối với an ninh nguồn nước như thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; mùa mưa - lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt; mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn; hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Thiếu nước còn do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê, bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước còn do quản trị nước hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và chưa sử dụng nước tiết kiệm.

Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu thì lượng nước mùa khô về không đủ để làm sạch các con sông, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền (có nơi vào sâu tới 135km) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay...

Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động khi mà tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội nên gia tăng xả thải nước bị ô nhiễm vào nguồn nước, các sông, suối. Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao, đặc biệt ở địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo đánh giá, Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào

Theo đánh giá, Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào

Mặc dù tổng trữ lượng nước bình quân cả nước và các tỉnh tương đối phong phú nhưng một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số tỉnh như: tỉnh Sơn La với trữ lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm, tuy nhiên một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Vùng miền núi phía tây tỉnh Nghệ An người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tại tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lượng mưa thấp, mức độ bốc hơi nước cao làm cho khả năng tích nước hạn chế, người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre, hạn mặn làm cho khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm.

Cùng với đó, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trữ lượng nước của Việt Nam được đánh giá là khá dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước lại thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%).

Thiếu quy hoạch tổng thể tài nguyên nước quốc gia

Hiện nay, việc quản lý an ninh nguồn nước được thực hiện chủ yếu theo 02 hệ thống pháp luật là pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về thủy lợi. Bên cạnh đó, việc quản lý a còn được quy định trong pháp luật về lâm nghiệp (trong việc bảo vệ nguồn sinh thủy), pháp luật về bảo vệ môi trường (trong bảo vệ chất lượng nước); pháp luật về phòng, chống thiên tai (hạn chế các tác hại do lũ, bão, mưa, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các thiên tai khác do nước gây ra); pháp luật về xây dựng (trong bảo đảm an toàn công trình)...

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp

Tuy nhiên tổ chức thực hiện các quy định pháp luật còn gặp hạn chế như đến nay vẫn chưa có quy hoạch tổng thể tài nguyên nước quốc gia, trong đó có khai thác nước, sử dụng cho các ngành kinh tế. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn; tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Tình trạng quy hoạch bị phá vỡ, vùng quy hoạch bị lấn chiếm làm ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra. Bố trí vốn đầu tư còn chưa đủ và thiếu đồng bộ dẫn tới nhiều công trình, dự án dở dang, chậm đưa vào khai thác do thiếu vốn ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và đời sống. Trong vận hành, điều phối, quản lý hệ thống hồ, đập, kênh dẫn cung cấp và tiêu thoát nước cũng còn nhiều nơi chưa tốt.

Bảo đảm nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về an ninh nguồn nước cho trước mắt và 20 – 30 năm tới

Trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì cần nguồn lực lớn để ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng, chống hạn hán, xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 45,9% diện tích canh tác còn lại chưa được tưới tiêu; duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động cho hơn 86.000 công trình thủy lợi, hàng ngàn công trình cấp nước sạch sinh hoạt...Nguồn lực này lại chủ yếu là NSNN, còn nguồn thu từ người dân, doanh nghiệp là không đáng kể. Do vậy, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ đầu tư tư NSNN cũng như cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực này thì mới từng bước đáp ứng các nhiệm vụ đặt ta của an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Thiếu kinh phí sửa chữa hồ chứa xuống cấp, hư hỏng

Hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3; trong đó, có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ mbảo vệ môi trường hạ du thì việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ đập này, bảo đảm an toàn cho hạ du là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của các cấp chính quyền, chủ quản lý khai thác và người dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với các hồ chứa nước lớn và vừa thì chất lượng công trình cơ bản đảm bảo do chủ đầu tư xây dựng là các Ban quản lý đầu tư và xây dựng chuyên ngành thủy lợi có trình độ, chuyên môn kỹ thuật khá cao. Các công trình hồ đập lớn như công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Hồ Tân Mỹ, Cống Cái Lớn - Cái Bé đã được thiết kế xây dựng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đối với hồ chứa nhỏ hầu hết do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng với trình độ kỹ thuật và nguồn vốn còn hạn chế dẫn đến chất lượng thiết kế, thi công còn thấp, an toàn chưa đảm bảo.

Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, chậm được sửa chữa

Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, chậm được sửa chữa

Công tác quản lý an toàn hồ đập luôn được Chính phủ và các địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí sửa chữa để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ, mà chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách; 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ, nhiều hồ có tràn bằng đất...nên chưa đáp ứng được khả năng thoát lũ theo quy chuẩn mới.

Khảo sát thực tế tại 14 tỉnh/thành phố cho thấy, tình trạng công trình bị hư hỏng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhiều công trình đầu mối không đủ khả năng chống lũ, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30-50 năm. Như tại Hà Tĩnh có 31 công trình hư hỏng, hạn chế tích nước, 02 công trình không tích nước do có nguy cơ mất an toàn; tỉnh Thanh Hóa có 78 hồ chứa mất an toàn, hư hỏng; tỉnh Hòa Bình có 48 hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao; tỉnh Nghệ An có 100 hồ chứa hư hỏng...Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa do tác động lớn của thiên tai như mưa lớn nên dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế; công trình xuống cấp ở hạng mục công trình đầu mối, cống, tràn xả lũ; các cấu kiện xây đúc bị nứt, vỡ suy giảm cường độ chịu lực; đập yếu do mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày;...

Mặt khác việc thực thi quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ đập còn nhiều hạn chế. Qua thanh tra, kiểm tra, số đập, hồ chứa đăng ký an toàn đập là 66% tổng số hồ đập; được kiểm định an toàn là 4%; được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du là 4%; được lập quy trình vận hành là 4%; được lập phương án bảo vệ 15%; được lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp chiếm 16%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do có sự thay đổi trong quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập theo Luật Thủy lợi; nhiều hồ, đập được xây dựng từ những năm 60, 70 là hồ chứa quy mô vừa và nhỏ nên không có quy trình vận hành; chưa có quy định yêu cầu xây dựng, vận hành và khai thác. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi ở địa phương còn khó khăn do địa phương thiếu quan tâm, đầu tư kinh phí để chủ quản lý và các đơn vị khai thác đập, hồ chứa nước thực hiện; việc đầu tư thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo điều hành hồ chứa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; mật độ trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng quá mỏng nên chất lượng dự báo chưa cao.

Hơn nưa, biến đổi gây mưa lũ cực đoan diễn biến rất phức tạp, mưa, lũ vượt tần suất thiết kế ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa; sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật tại lưu vực hồ chứa ảnh hưởng đến sinh thủy của hồ, làm dòng chảy lũ tập trung về hồ nhanh và gia tăng về cường độ cũng ảnh hưởng tác động lớn đến an toàn hồ đập.

Còn hạn chế trong năng lực quản lý, vận hành, khai thác hồ đập

Cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa. Trong đó, trên 10 công trình thủy điện lớn, số còn lại là thủy điện vừa và nhỏ.

Các hồ đập thủy điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong quản lý, vận hành cần được quan tâm khắc phục

Các hồ đập thủy điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong quản lý, vận hành cần được quan tâm khắc phục

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đã có 429/429 đập được chủ đập thực hiện đăng ký an toàn; có báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ; xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, trong trong thực tiễn quản lý vẫn bộc lộ một số bất cập như một số nhà máy như thủy điện Hố Hô, Vĩnh Sơn 5, Nà Lòa, Bắc Khê 1, Đăk Mi 4, Sử Pán 1 còn có thời điểm chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành như xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du; thực hiện việc thông tin, thông báo; lắp đặt hệ thống thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng,..; một số sự cố xảy ra trong vận hành do tác động của thiên tai như sự cố ở thủy điện Đắk Kar, Đăk Sin 1.

Còn có sự chồng chéo về thẩm quyền điều tiết nước trong mùa kiệt giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc quy định thời gian tích nước cuối mùa lũ khá ngắn nên các hồ không tích được đến mực nước dâng bình thường để đảm bảo cho công tác phát điện và trữ nước phục vụ nhu cầu cấp nước cho năm tiếp theo.

Giám sát đối với các đập, hồ chứa do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và một số công trình có tầm quan trọng đặc biệt cho thấy, hiện còn 17/40 hồ chứa nước chưa kịp thời lập điều chỉnh và hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa; 13/40 đập, hồ chứa nước chưa có phương án bảo vệ đập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Một số hồ chứa có tình trạng bị lấn, chiếm sử dụng đất, khai thác lòng hồ trái phép như hồ chứa thủy điện Đại Ninh, Pleikrông; 14/40 đập, hồ chứa nước chưa có phương án ứng phó với thiên tai; được chủ sở hữu xây dựng phê duyệt; 31/40 đập, hồ chứa nước chưa được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hoặc phương án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

Qua giám sát cũng cho thấy một số tồn tại, bất cập đối với quản lý an toàn hồ đập năng lực quản lý vận hành, khai thác hồ, đập vừa và nhỏ của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế. Hiện có trên 4.000 hồ chứa vừa và nhỏ giao cho cấp huyện, cấp xã quản lý trong khi nguồn nhân lực làm công tác quản lý công trình thủy lợi ở địa phương đang thiếu nghiêm trọng. Ở cấp huyện, cán bộ chuyên ngành về thủy lợi còn thiếu, một số huyện chưa có cán bộ chuyên ngành thủy lợi mà thành phần đang là các tổ chức, cá nhân (trưởng xóm) cùng tham gia quản lý công trình thủy lợi.

Phối hợp trong vận hành liên hồ chưa cao chưa đảm bảo hiệu quả. Do mục đích kinh tế nên một số hồ chứa thủy điện tại một số tỉnh chưa tuân thủ theo nguyên tắc vận hành liên hồ chứa, đảm bảo cấp nước hoặc cắt lũ cho vùng hạ du. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ quản lý hồ và chính quyền địa phương trong thông báo lũ, xả lũ, dẫn đến ngập lụt, gây thiệt hại cho đời sống người dân. Chủ quản lý công trình thủy điện với mục đích chủ yếu là phát điện nên thiếu sự hợp tác trong tiến hành điều tiết nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Mặt khác, đối với sử dụng nước sông liên tỉnh, do nhu cầu nước các tỉnh khác nhau nên việc điều tiết nước các hồ liên tỉnh còn nhiều khó khăn. Quy định vận hành đơn hồ chứa còn chưa phù hợp với điều kiện nguồn nước, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ.

Có sự phân bố không đều hệ thống các công trình hồ, đập dẫn đến các công trình này chỉ phục vụ được một bộ phận lưu vực vùng hạ lưu, một số phần còn lại của hạ lưu thì bị lũ lụt hoặc hạn hán. Qua khảo sát tại các tỉnh thì mới chỉ có một số ít các tỉnh có quy hoạch hệ thống thủy lợi, hồ đập toàn tỉnh dẫn đến hiện tượng xây dựng hồ đập tự phát và không theo quy hoạch, nhiều vùng thừa, nhiều vùng thiếu nước; các quy hoạch chưa có tầm nhìn dài hạn để sẵn sàng ứng phó với tình hình phức tạp về nguồn nước trong tương lai.

Sau khi xem video, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49644