Quy chuẩn nhà ở chung cư an toàn của Bộ Xây dựng

Hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành đảm bảo được khả năng ngăn ngừa mất an toàn xảy ra với sinh mạng con người, tuy nhiên, gần đây vẫn xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, nhất là trẻ nhỏ nên cần ý thức của người dân.

Tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng-an toàn sinh mạng và sức khỏe quy định rõ phải có lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, lôgia, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi khác có người đi lại.

Ở gara ôtô phải có lan can những nơi có người đi lại nhưng không bắt buộc ở những đường dốc chỉ sử dụng cho xe cộ đi lại và ở khu vực bốc xếp hàng.

Cùng đó, chiều cao tối thiểu đối với lan can đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng dành cho lôgia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên là 1,4m; vế thang, đường dốc là 0,9m và các vị trí khác là 1,1m.

Quy chuẩn cũng nêu rõ lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong Quy chuẩn liên quan; không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ quy chuẩn về an toàn sử dụng kính quy định Quy chuẩn này.

Nhà chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Tp Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Nhà chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Tp Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua, tức là không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.

Trên thực tế, lan can cũng là nơi thoát hiểm nếu xảy ra sự cố như hỏa hoạn. Việc điều chỉnh tăng thêm chiều cao lan cao cũng vẫn phải đảm bảo khoảng cách trống phù hợp với phương án thoát hiểm.

Kinh nghiệm từ các gia đình sinh sống tại chung cư cho thấy cho dù gia đình có hay không có trẻ em sinh sống tại căn hộ cũng nên thêm giải pháp an toàn cho lôgia hay cửa sổ bằng cách căng lưới mềm. Đây là loại cáp mỏng được căng theo tỷ lệ khoảng cách tầm 5cm, có đan ngang để hạn chế xô lệch.

Ưu điểm của loại vật liệu này hơn hẳn các loại lồng sắt như “chuồng cọp” xuất hiện tại nhiều nhà chung cư cũ trước đây là có thể cắt bỏ nhanh trong các trường hợp cần thoát nạn; hạn chế việc bay đồ khi phơi phóng ngoài lôgia; tạo cảm giác an toàn cho người sử dụng… Bản thân các tấm lưới bảo vệ này khi căng lên cũng không giảm thẩm mỹ.

Tại Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành cũng quy định chi tiết, ngay cả cửa sổ nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, cửa sổ chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải tuân thủ các quy định tại QCXDVN 05:2008/BXD.

Đối với căn hộ không có ban công hoặc lôgia, phải bố trí tối thiểu một cửa sổ ở tường mặt ngoài nhà có kích thước lỗ cửa thông thủy không nhỏ (600x600mm) phục vụ cứu nạn, cứu hộ.

Rào, lan can ban công và lôgia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m.

Hệ thống Văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn khá đầy đủ nhưng thực tế thời gian qua vẫn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thương tâm, nhất là với trẻ nhỏ.

THOA NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/quy-chuan-nha-o-chung-cu-an-toan-cua-bo-xay-dung-653176