Quy định gắn camera trên xe khách: Còn nhiều băn khoăn

Kể từ ngày 1/7, theo quy định mới bắt buộc ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên và xe đầu kéo đều phải lắp camera trên xe. Tuy nhiên đến thời điểm này, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn còn nhiều băn khoăn, chủ xe chưa thể thực hiện đúng lộ trình.

Camera được lắp đặt tại vị trí cửa lên xuống của xe khách. Ảnh: NHƯ THANH

Nhiều ý kiến trái chiều

Để thực hiện theo quy định, một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai việc lắp camera trên xe khách.

Theo ông Hồ Nguyên Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Cúc Tư, để thuận lợi cho việc giám sát quá trình hoạt động của các đầu xe, đơn vị đã trang bị camera giám sát trên tất cả 22 xe khách tuyến cố định. Mỗi xe được trang bị từ 2-4 camera. Hiện hệ thống camera này truyền trực tiếp dữ liệu về trung tâm điều hành của công ty.

Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị đã bắt đầu lắp camera trên xe thì nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về quy chuẩn, kinh phí triển khai, an toàn cháy nổ... Ông N.V.C, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, cho biết: Cách đây ít lâu, Bộ GT-VT đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải tháo các thiết bị lắp thêm như tivi và các thiết bị khác liên quan đến hệ thống điện trên xe để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ.

Nay với quy định bắt buộc phải lắp camera, an toàn cháy nổ cũng chưa được tính đến, trong khi rất nhiều xe khách phải lắp 3-4 camera thì nguy cơ cháy nổ càng cao. Hơn nữa, việc lựa chọn loại camera cũng có nhiều bất cập, chưa quy định rõ ràng.

Vấn đề kinh phí lắp đặt camera cũng làm đau đầu nhiều chủ doanh nghiệp vận tải, nhất là khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo một chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch ở TP Tuy Hòa, hơn một năm nay, doanh thu của công ty chỉ đạt 40-50% so với các năm trước. Thời gian gần đây, doanh thu gần như bằng 0.

Trong khi đó, kinh phí lắp một camera trên xe hiện nay từ 6,5 triệu đồng; với gần 10 đầu xe, chủ doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng. Đây thực sự là gánh nặng đối với doanh nghiệp lúc này. Dù quy định đã được đưa ra nhưng Bộ GT-VT nên cân nhắc lùi thêm một thời gian nữa bởi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vận tải cần nhiều thời gian để hoạt động trở lại.

Nỗ lực thực hiện

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ (Nghị định 10) quy định ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Các dữ liệu ghi hình được kết nối trực tiếp với cơ quan chức năng để tiện theo dõi, quản lý.

Vừa qua, trước các kiến nghị xin lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không chấp thuận. Theo đơn vị này, việc bắt buộc lắp camera cho xe khách và container là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và nâng cao sự an toàn đối với hành khách. Quy định này đã được đưa ra từ trước và có lộ trình để thực hiện.

Hiệu quả của việc này không chỉ hỗ trợ các cơ quan chức năng có nguồn dữ liệu để giải quyết các vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự mà còn giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý, giám sát về phương tiện, con người trong quá trình hoạt động. Nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa hành khách với nhà xe được giải quyết thuận lợi nhờ dữ liệu được ghi lại đầy đủ.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GT-VT các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: giảm lãi suất cho các khoản vay phải trả lãi; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để khôi phục sản xuất kinh doanh; các chính sách miễn giảm phí bảo trì đường bộ...

Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT), để thực hiện theo Nghị định 10, Sở GT-VT đã có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và các đơn vị kinh doanh vận tải đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải. Sở GT-VT sẽ tăng cường đôn đốc, nhắc nhở cũng như giám sát các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng lộ trình.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GT-VT các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: giảm lãi suất cho các khoản vay phải trả lãi; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để khôi phục sản xuất kinh doanh; các chính sách miễn giảm phí bảo trì đường bộ...

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/255989/quy-dinh-gan-camera-tren-xe-khach--con-nhieu-ban-khoan.html