Quy định mới về hồ sơ hưởng chế độ thai sản và mở rộng danh mục bệnh dài ngày

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 25/2025/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động về lĩnh vực y tế và một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Thông tư 25/2025/TT-BYT quy định cụ thể về một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản. Ảnh minh họa

Thông tư 25/2025/TT-BYT quy định cụ thể về một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản. Ảnh minh họa

Mở rộng danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

Một trong những nội dung nổi bật của Thông tư 25/2025/TT-BYT là việc cập nhật và mở rộng danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Danh mục này là cơ sở quan trọng để cơ quan bảo hiểm xã hội xét chi trả chế độ ốm đau kéo dài cho người lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Bộ Y tế đã sử dụng hệ thống mã bệnh theo phân loại quốc tế ICD-10 để xây dựng danh mục, với các mã bệnh từ 3 đến 5 ký tự được liệt kê rõ trong Phụ lục I kèm theo Thông tư. Các nhóm bệnh như ung thư, bệnh thận mạn, bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, các loại u lành tính… đều nằm trong phạm vi điều chỉnh.

So với danh mục cũ tại Thông tư 46/2016/TT-BYT, danh sách bệnh lần này được bổ sung nhiều bệnh lý có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại, phản ánh sát thực tiễn điều trị. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận bảo hiểm cho người lao động mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính hoặc cần điều trị dài ngày.

Quy định chi tiết hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản

Thông tư 25/2025/TT-BYT quy định cụ thể về một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản bao gồm:

Giấy tờ chứng minh quá trình điều trị vô sinh của lao động nữ, gồm một trong các giấy tờ sau:

- Giấy ra viện;

- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận quá trình điều trị nội trú;

- Giấy xác nhận quá trình điều trị vô sinh của lao động nữ.

Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai, gồm một trong các giấy tờ sau:

- Giấy ra viện;

- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận quá trình điều trị nội trú;

- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;

- Giấy xác nhận nghỉ dưỡng thai.

Mẫu giấy xác nhận sức khỏe sau sinh

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ: mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con hoặc lao động nữ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con. Theo đó:

Mẫu và cách ghi giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con hoặc lao động nữ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con (giấy xác nhận người mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc con) thực hiện theo quy định tại Mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trả cho người đề nghị giấy hẹn, trong đó phải nêu rõ thời gian cấp giấy xác nhận người mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc con và thực hiện việc cấp theo đúng thời gian trong giấy hẹn.

Thẩm quyền cấp giấy xác nhận người mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc con: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã khám bệnh, chữa bệnh cho người mẹ.

Bộ Y tế nêu rõ giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng để làm cơ sở hưởng bảo hiểm xã hội.

Đối với các hồ sơ đề nghị giám định đã nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực: cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục giải quyết theo các quy định hiện hành cho đến khi kết thúc việc giám định.

Bộ Y tế nêu rõ trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-dinh-moi-ve-ho-so-huong-che-do-thai-san-va-mo-rong-danh-muc-benh-dai-ngay-423643.html