Quy định phòng cháy chữa cháy quá cao, hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt với đóng cửa

Nhiều công trình không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ khiến hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa.

Quy định phòng cháy chữa cháy quá cao, hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt với đóng cửa

Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.

Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.

 Quy định phòng cháy chữa cháy quá cao, hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt với đóng cửa. (Ảnh: VOV)

Quy định phòng cháy chữa cháy quá cao, hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt với đóng cửa. (Ảnh: VOV)

Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp trong nước, ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng khó hoàn thành các quy định liên quan tới phòng cháy chữa cháy, bởi những tiêu chí rất cao.

Để đáp ứng các tiêu chí phòng cháy, chữa cháy, doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu giá thành rất đắt đỏ, điều này gây ra áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Nhiều công trình được đầu tư theo quy định tại Nghị định 97 có hiệu lực từ năm 2014. Các công trình này có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng.

Tuy nhiên, tại Nghị định 136, có hiệu lực từ năm 2020 lại có quy định khác, phát sinh nhiều vướng mắc như phải chỉnh sửa cả kết cấu công trình có thể làm suy giảm tuổi thọ, hay là lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà không chỉ làm suy yếu kết cấu mà còn gia tăng chi phí xây dựng…

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam.

“Chính vì không nghiệm thu được công trình mới và sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Một số giải pháp tháo gỡ

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm của các công trình hiện hữu, đang hoạt động, nhưng không dễ khắc phục, giải quyết ngay.

Để tạo điều kiện cho các công trình này được tiếp tục hoạt động, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; loại và quy mô công trình...

 Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm của các công trình hiện hữu. (Ảnh: TD)

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm của các công trình hiện hữu. (Ảnh: TD)

Trên cơ sở đó hướng dẫn xử lý trên quan điểm không hồi tố, nghiên cứu các giải pháp tăng cường, bổ sung để an toàn hơn hiện trạng.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những năm qua công tác phòng cháy chữa cháy ngày càng được quan tâm với các nghị định, thông tư, hướng dẫn bài bản của các bộ, ngành, bộ máy tổ chức thực hiện được kiện toàn.

Tuy nhiên, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra trên mọi địa bàn (dân sinh, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ), gây thiệt hại lớn về con người và tài sản, gây nhiều bức xúc. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý về vấn đề này,

Để giảm áp lực trong hoạt động thẩm duyệt, kiểm định, Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan quản lý cần ban hành các quy định điều kiện để đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường đào tạo nhân lực về phòng cháy chữa cháy, có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị, vật liệu, công trình… của các nước tiên tiến.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đối với các công trình hiện hữu, xây dựng mới bảo đảm nghiêm ngặt, phù hợp, an toàn.

Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chuẩn bị lộ trình pháp lý toàn diện, phù hợp, hiệu quả, khả thi; tăng cường đào tạo nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-phong-chay-chua-chay-qua-cao-hang-nghin-doanh-nghiep-doi-mat-voi-dong-cua-post247245.html