Quy định rõ quyền và quy trình lập pháp

Luật Lập pháp của Trung Quốc được Quốc hội Khóa IX thông qua tại Kỳ họp thứ ba vào ngày 15.3.2000 và có hiệu lực vào ngày 1.7.2000. Luật Lập pháp ra đời sau 7 năm nghiên cứu (từ năm 1993), thể hiện Nhân dân không chỉ là đối tượng bảo hộ của pháp luật, mà còn được hoan nghênh tham gia xây dựng và sửa đổi luật pháp.

Sau khi Luật này ra đời, việc ban hành văn bản của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đã có những chuyển biến cơ bản. Nếu như trước đây, Trung Quốc từ chỗ giải quyết không có luật làm cơ sở, đến lập pháp về kinh tế làm chính, rồi đến tăng cường lập pháp về xã hội và lập pháp về dân sinh (thể hiện rõ nét từ lấy con người làm gốc đến lập pháp vì dân) thì đến nay quy trình ban hành văn bản đã được hoàn thiện thêm một bước. Theo quy định hiện hành, Nhân dân không chỉ là đối tượng bảo hộ của pháp luật, mà con được hoan nghênh tham gia xây dựng và sửa đổi luật pháp.

Quyền lập pháp tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Luật Lập pháp của Trung Quốc xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo quy định của Luật này, Quốc hội có thẩm quyền ban hành và sửa đổi luật dân sự, hình sự và các luật về tổ chức. UBTVQH ban hành và sửa đổi tất cả các luật trừ thẩm quyền ban hành của Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, UBTVQH có quyền sửa đổi, bổ sung luật do Quốc hội ban hành nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của các luật đó.

ĐBQH - người truyền đạt ý chí của Nhân dân. Nguồn: China Today

ĐBQH - người truyền đạt ý chí của Nhân dân. Nguồn: China Today

Theo quy định của Luật Lập pháp, quy trình ban hành văn bản rõ ràng hơn từ khâu đề xuất, soạn thảo, kiểm tra, tham vấn, thảo luận, rút dự thảo văn bản, thông qua và công bố. Với quy trình lập pháp này, Trung Quốc tin rằng quy trình lập pháp của họ ngày càng dân chủ và hiệu quả hơn vì những lý do sau:

Thứ nhất, dự thảo văn bản phải được UBTVQH xem xét 3 lần trước khi bỏ phiếu và dự thảo phải trình lên Ủy ban Pháp luật kiểm tra lại lần cuối cùng sau khi các ủy ban có liên quan khác đã tiến hành kiểm tra.

Thứ hai, quy trình ban hành văn bản minh bạch hơn. Trước đây, chủ yếu dự thảo luật được thảo luận trong một nhóm nhỏ có cùng chung lợi ích. Tuy nhiên, theo Luật Lập pháp, việc tổ chức cuộc họp giữa các nhóm hoặc họp phiên toàn thể của UBTVQH được tổ chức nếu cần xem xét những vấn đề lớn. Lắng nghe ý kiến người dân, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng là quy trình bắt buộc khi thẩm tra dự thảo văn bản.

Tại phiên họp của Quốc hội, đoàn chủ tịch Quốc hội có thể giới thiệu một dự thảo luật để Quốc hội thảo luận.

Hội đồng Nhà nước, Ủy ban Quân sự Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và các ủy ban của Quốc hội có thể giới thiệu dự án luật trước Quốc hội. Việc đưa dự án luật vào chương trình làm việc của Quốc hội sẽ do Đoàn Chủ tịch quyết định.

Một đoàn đại biểu, hoặc các đoàn đại biểu có ít nhất 30 thành viên, có thể giới thiệu một dự án luật trước Quốc hội. Đoàn Chủ tịch sẽ quyết định liệu có thể đưa dự án luật đó vào Chương trình nghị sự của Quốc hội hay chuyển cho các ủy ban của Quốc hội xem xét. Trong thời gian Quốc hội không họp, dự thảo luật trước tiên trình cho UBTVQH. Đối với các dự thảo luật mà UBTVQH quyết định trình trong kỳ họp gần nhất, UBTVQH sẽ gửi cho các đoàn Đại biểu Quốc hội 1 tháng trước khi bắt đầu kỳ họp của Quốc hội.

Nếu trước khi dự án luật được đưa vào Chương trình phiên họp của Quốc hội để bỏ phiếu, người đề nghị xây dựng văn bản xin rút dự án thì phải giải thích rõ lý do và gửi báo cáo tới đoàn chủ tịch và dự án đó sẽ được đưa ra khỏi chương trình kỳ họp.

Quyền lập quy của chính quyền địa phương được cụ thể hóa

Quyền lập quy của chính quyền địa phương được biết đến kể từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi vào năm 1986. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, việc ban hành văn bản của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương mới có một văn bản luật riêng điều chỉnh.

Theo quy định của Luật Lập pháp, ở Trung quốc quyền lập quy của chính quyền địa phương là một trong những quyền ban hành văn bản quan trọng của quốc gia. Quyền lập quy của địa phương bao gồm việc ban hành văn bản của khu vực tự trị dân tộc, đặc khu kinh tế và khu vực hành chính đặc biệt. Luật lệ của địa phương là văn bản thấp nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quyền lập quy của chính quyền địa phương nhằm:

- Bảo đảm việc thi hành hiến pháp, luật, các quy tắc cũng như các chính sách cơ bản và hướng dẫn của chính phủ. Nói cách khác, các địa phương có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Giải quyết các vấn đề mà pháp luật do Trung ương chưa quy định.

- Giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương như quản lý nguồn nước của sông, hồ trong phạm vi địa phương, bảo vệ đê điều, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn, các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách của địa phương về kinh tế, giáo dục, văn hóa, sức khỏe cộng đồng và các vấn đề đặc biệt khác.

- Thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua các hoạt động truyền thống của địa phương trên cơ sở quy tắc pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, tất cả các khu vực tự trị dân tộc đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi các đơn vị hành chính cùng cấp tương đương khác không có quyền này. Quyền ban hành văn bản của khu vực tự trị dân tộc là thẩm quyền đặc biệt của khu vực tự trị. Đó là mô hình quyền lực bảo đảm việc quản lý hiệu quả của chính quyền tự quản.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/quy-dinh-ro-quyen-va-quy-trinh-lap-phap-i353648/