Quy định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP

Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP được tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tuần tra biên giới. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tuần tra biên giới. Ảnh: Viết Lam

Luật Biên phòng Việt Nam quy định việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP như sau:

“Điều 17. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;

b) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

c) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

3. Trường hợp nổ súng quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức”.

Trong đó, Điều 17, Luật Biên phòng Việt Nam đã chỉ rõ:

Thứ nhất, khẳng định khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 2, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ giải thích rõ: Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm: Thuốc nổ, phụ kiện nổ. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp; bao gồm: Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới, súng phóng dây mồi, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, động vật nghiệp vụ...

Khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; nhất là đối với việc sử dụng vũ khí quân dụng. Trong đó, quán triệt đầy đủ nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Thứ hai, quy định các trường hợp nổ súng quân dụng vào phương tiện.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định các trường hợp cán bộ, chiến sĩ BĐBP được nổ súng quân dụng vào phương tiện (ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) và các yêu cầu cụ thể khi nổ súng quân dụng vào phương tiện như sau:

Yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ: Khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Yêu cầu về phương tiện, địa điểm, đặc điểm phương tiện bị nổ súng: Tàu thuyền trên biển, sông biên giới (trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin).

Yêu cầu về việc thực hiện sự cảnh báo trước khi nổ súng: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải cảnh báo bằng các phương thức khác nhau (như hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên) trước khi nổ súng vào tàu thuyền.

Yêu cầu về tính tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Yêu cầu về mục đích khi nổ súng vào tàu thuyền: Để dừng tàu thuyền.

Các trường hợp cụ thể mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền gồm:

Trường hợp 1: Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;

Trường hợp 2: Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

Trường hợp 3: Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang cố tình chạy trốn (hành vi vi phạm được xác định theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự).

Như vậy, quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, chiến sĩ BĐBP phát huy vai trò, tính năng, công dụng của các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thạc sĩ Vũ Quang Hùng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-cong-cu-ho-tro-cua-can-bo-chien-si-bdbp-post437832.html