Quy định về huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự

Luật Biên phòng Việt Nam xác định BĐBP có 8 nhóm quyền hạn (Điều 15); trong đó, quyền 'Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự' được quy định cụ thể tại Điều 18 như sau:

BĐBP Quảng Trị huy động phương tiện của nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Ảnh: Viết Lam

BĐBP Quảng Trị huy động phương tiện của nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Ảnh: Viết Lam

“Điều 18. Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự

1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Việc huy động quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay sau khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3, Điều 7 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của BĐBP.

4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động ở khu vực biên giới hỗ trợ, giúp đỡ”.

Quy định trên khẳng định căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng trong việc cán bộ, chiến sĩ BĐBP huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự, với những quy định về chủ thể, trường hợp, đối tượng, yêu cầu nhất định. Cụ thể:

Về chủ thể: Chủ thể thực hiện quyền huy động hoặc đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ là cán bộ, chiến sĩ BĐBP - bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế của BĐBP (khoản 5, Điều 2, Luật Biên phòng Việt Nam).

Về trường hợp được huy động: Có 3 nhóm trường hợp: Trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật; Trường hợp khẩn cấp để tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn; Trường hợp khẩn cấp để ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng. Đây là những trường hợp cần được tiến hành, giải quyết ngay, không cho phép chậm trễ nhằm tránh sự trốn thoát của người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật; khẩn trương tác động bằng những biện pháp tích cực, tăng cơ hội tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn; chủ động đối phó kịp thời, làm hạn chế hoặc triệt tiêu những tác hại của sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.

Về đối tượng được huy động, bao gồm: Người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Luật cũng cho phép, trong các trường hợp trên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động ở khu vực biên giới tham gia thực hiện. Tuy nhiên, trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân này có khác nhau. Luật xác định: Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của BĐBP; còn tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động ở khu vực biên giới được đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ BĐBP.

Bên cạnh đó, Luật Biên phòng Việt Nam cũng đặt ra 2 yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP khi huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, đó là: Phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động; có nghĩa vụ hoàn trả ngay sau khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Ngoài ra, Luật Biên phòng Việt Nam cũng dự liệu tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc huy động này: Nếu người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3, Điều 7 của Luật này (bao gồm thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định). Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng các tình huống khi có thiệt hại xảy ra; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người đã tham gia vào việc huy động này; Luật xác định rõ trách nhiệm giải quyết việc đền bù thuộc về đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động, trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan.

Quy định về huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP có mối liên hệ mật thiết với chính sách của Nhà nước về biên phòng (khoản 6, Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam) và là điều kiện tất yếu để BĐBP thực hiện chức năng, nhiệm vụ; trực tiếp là nhiệm vụ “Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; “Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới” (khoản 4, khoản 12, Điều 14, Luật Biên phòng Việt Nam).

Quy định này trong Luật Biên phòng Việt Nam có tính kế thừa về quyền hạn của BĐBP trong Pháp lệnh BĐBP năm 1997 (Điều 13) và bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn công tác biên phòng hiện nay và tương lai. Đặc biệt, quy định về huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong Điều 18, Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp về “quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” (Điều 20); quyền sở hữu của mọi người đối với “thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất” (Điều 32); phân biệt với trường hợp trưng dụng tài sản (theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản); khẳng định sự nhất quán trong quy định thẩm quyền của các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ trong những trường hợp tương tự khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định về việc huy động này (Điều 6; khoản 7, Điều 9; Điều 16, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam).

Như vậy, quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về việc huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự đã tạo căn cứ pháp lý thống nhất để BĐBP phát huy tốt vị trí là “lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”; tăng cường sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ BĐBP trong các trường hợp khẩn cấp nhất định.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-ve-huy-dong-nguoi-tau-thuyen-phuong-tien-thiet-bi-ky-thuat-dan-su-post437891.html